/ Tin tức
Sản xuất công nghiệp bứt phá, khả thi với mục tiêu tăng trưởng IIP 7-8%
Bộ Công Thương cho biết, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực, theo đó, mục tiêu tăng trưởng IIP 7-8% trong năm 2024 có thể đạt được.
Công nghiệp giữ nhịp tăng trưởng
Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp cho thấy xu hướng tích cực, tiếp đà đi lên cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 của ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,4 điểm, mặc dù giảm so với mức 54,7 điểm trong tháng 7 nhưng vẫn khẳng định mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm giữa quý III.
Trong đó, có những điểm nhấn là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể, áp lực lạm phát đã nhẹ bớt... cho thấy "sức khỏe" lĩnh vực sản xuất cải thiện tích cực. Do đó, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%). Đáng chú ý, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,4%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 1,0 điểm phần trăm...
Đặc biệt, chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,6%; khai thác quặng kim loại tăng 19%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,8%; dệt tăng 13,4%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8…
Báo cáo Bộ Công Thương chỉ ra, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương, chỉ giảm ở 02 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Cụ thể, một số địa phương, trong đó có địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp, có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Lai Châu tăng 45,4%; Phú Thọ tăng 40,0%; Bắc Giang tăng 28,1%; Bình Phước tăng 17,2%; Thanh Hóa tăng 16,6%; một số địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Khánh Hòa tăng 204,3%; Trà Vinh tăng 59,6%; Cao Bằng tăng 44,2%; Lai Châu tăng 37,5%; Điện Biên tăng 36,8%; Sơn La tăng 32,7%; Thanh Hóa tăng 29,7%.
Đánh giá về sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2025, ông Phạm Tuấn Anh- Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, đối với ngành công nghiệp chủ lực phục hồi mạnh như: Dệt may, da giày, thép, điện tử, chế biến thực phẩm…, đã phản ánh được sự phục hồi nhanh, điều đó cho thấy những lĩnh vực đầu vào cho sản xuất, kinh doanh đang phục hồi mạnh.
Đề xuất 4 nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp năm 2025
Theo Bộ Công Thương, năm 2025, bối cảnh thế giới sẽ có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Lãnh đạo Cục Công nghiệp cho hay, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp trong nước, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến, chế tạo để mở rộng sản xuất như: xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp như thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ, ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…), an toàn thực phẩm.
Tiếp đến, trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước… để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; xem xét, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường cho ngành sản xuất trong nước (thép, phân bón, điện – điện tử…
Bộ Công Thương cũng đưa ra 4 kế hoạch, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp năm 2025, cụ thể:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp, trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động; tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.
Thứ ba, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia với các đối tác chiến lược.
Thứ tư, tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI.
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...