Số lượt truy cập

3276850

/ Tin tức

Siêu thị Việt Nam chuyển mình vì môi trường xanh (Y)

Các siêu thị triển khai nhiều hoạt động để hướng người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một lần thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó quy định về lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Theo đó, UBND cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch.

Trước khi Nghị định 08/2022 ban hành, nhiều đơn vị bán lẻ tại TP.HCM đã tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường như giảm sử dụng túi ni lông, khuyến mãi sản phẩm hữu cơ,... nhưng đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Nhiều doanh nghiệp tiên phong tiêu dùng xanh

Năm 2010, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) là doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiên phong trên thị trường tung ra chiến dịch "Tiêu dùng xanh" với mong muốn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Từ đó, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, hạn chế sử dụng túi ni lông...

Đặc biệt, năm 2019, một loạt các siêu thị như Co.opMart, Lotte Mart, Big C gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng khi trên kệ hàng thực phẩm tươi sống, một số mặt hàng rau tươi được gói bằng lá chuối.

Tuy nhiên, theo ghi nhận đến nay tại các siêu thị, tùy khu vực, rau gói bằng lá chuối vắng bóng trên quầy kệ. Một số nhà bán lẻ cho biết họ khuyến khích nhà cung cấp gói rau bằng lá chuối chứ không hoàn toàn bắt buộc.

Đại diện Lotte Mart cho biết, đơn vị đã và đang triển khai rất nhiều hoạt động để hướng người tiêu dùng tới một lối sống tiêu dùng xanh, hạn chế sử dụng túi ni lông.

"Đó chỉ là việc đơn giản như hạn chế sử dụng các sản phẩm túi ni lông, nhựa dùng một lần và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Những nỗ lực này đã nhận được rất nhiều hưởng ứng tích cực từ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn, có thể kể đến là giá thành sản phẩm xanh thường cao hơn so với các sản phẩm túi ni lông thông thường. Chi phí sản xuất sản phẩm xanh cao hơn do nguyên liệu thân thiện với môi trường thường có giá cao và quy trình sản xuất tốn kém hơn. Điều này tác động trực tiếp đến giá cả và quyết định mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu như hiện nay" - đại diện Lotte Mart chia sẻ.

Là nhà cung cấp rau quả cho siêu thị, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty Thảo Nguyên cho biết, rau quả tươi nếu gói bằng lá chuối hay các loại lá khác về quy cách và chất lượng không khác biệt nhiều so với đóng gói bằng màng xốp, màng co mà công ty đang thực hiện.

"Thời gian qua có một số công ty bao bì giới thiệu bao bì xanh nhưng chúng tôi chưa tìm hiểu sâu liệu sản phẩm có thực sự thân thiện với môi trường và đảm bảo bảo quản rau tốt hay không. Sau này khi các siêu thị có yêu cầu sử dụng bao bì xanh, chúng tôi sẽ đáp ứng, đồng thời góp ý để cải thiện dần. Bên cạnh đó, khi chuyển sang bao bì thân thiện môi trường sẽ đẩy chi phí tăng cao, giá sản phẩm tăng. Hy vọng người tiêu dùng đón nhận để doanh nghiệp có động lực thực hiện" - ông Sơn nói.

Siêu thị sẽ dần xanh hóa sản phẩm

Đại diện Lotte Mart cho biết, để chuẩn bị thực hiện theo quy định, siêu thị đang từng bước xanh hóa quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu túi ni lông, giảm thiểu chất thải... Tăng cường sử dụng và phân phối sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường.

"Chúng tôi sẽ đàm phán với các nhà cung cấp để tăng số lượng hàng hóa xanh thân thiện môi trường, kết hợp cùng các chương trình khuyến mãi để nhiều khách hàng tiếp cận và mua sắm nhiều hơn. Đặc biệt, Lotte Mart vừa triển khai tính năng phiếu thanh toán điện tử thay thế cho phiếu thanh toán giấy truyền thống nhằm hiện thực hóa cam kết bảo vệ môi trường" - đại diện Lotte Mart nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail cho biết, trong năm 2025 tập đoàn sẽ triển khai thay thế dần toàn bộ các sản phẩm nhựa sang nhựa phân hủy sinh học, sản phẩm thân thiện môi trường và bền vững. Chúng tôi áp dụng cho 18 siêu thị trải dài từ Bắc vào Nam. Lộ trình đến hết năm 2026 sẽ thay thế toàn bộ 100%.

Ở góc độ nhà sản xuất bao bì, bà Liêu Ngọc Minh Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Minh Phát cho biết, thời gian qua công ty tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá túi phân hủy sinh học (có thể thay thế cho túi ni lông) nhưng không tiếp cận được thị trường. "Nhiều khách hàng thích sản phẩm tốt cho môi trường nhưng cuối cùng do giá thành cao, đối tác vẫn chỉ tham khảo" - bà Tuyến nói.

Theo bà Tuyến, hiện nay chỉ có một số khách sạn năm sao, chuỗi nhà hàng lớn quan tâm đến vấn đề môi trường mới có nhu cầu tiêu thụ, nên sản lượng túi sinh học (có thể thay thế cho túi ni lông) đang được bán ra thị trường vẫn rất khiêm tốn.

"Mặt khác, khách hàng vẫn còn nhầm lẫn giữa túi thân thiện môi trường (túi tái chế) và túi phân hủy sinh học nên ban đầu hào hứng đặt hàng. Nhưng khi được báo giá túi tái chế hơn 40.000 đồng/kg, túi phân hủy sinh học giá khoảng 100.000 đồng/kg và sau khi được giải thích rõ, khách hàng thường chọn sản phẩm có giá rẻ hơn.

Do sản lượng tiêu thụ chưa tới 10%, nên công ty không sản xuất sẵn, cộng với túi sinh học có thời hạn sau hơn một năm sẽ tự phân hủy. Vì vậy, chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng" - bà Tuyến nói.

Cần quy định mạnh mẽ và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh

Một số doanh nghiệp sản xuất bao bì cho rằng, Luật đã ban hành lộ trình thực hiện, Nhà nước cần có các giải pháp quyết liệt để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời cần tuyên truyền mạnh hơn, qua đó giúp người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất nâng cao ý thức sản xuất và tiêu dùng xanh.

Bà Tuyến chia sẻ, công ty tham gia phiên chợ xanh của một siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, họ yêu cầu các đơn vị tham gia chỉ dùng túi phân hủy sinh học. Đồng thời kiểm tra đột xuất nếu phát hiện đơn vị tham gia nào sử dụng túi ni lông, nhựa thường sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo, thậm chí không được tiếp tục tham gia.

"Đây là thông điệp rõ ràng. Đến một lúc nào đó, Nhà nước cần có chế tài tương tự. Chúng ta muốn môi trường xanh hơn thì phải hành động và đưa ra chế tài phù hợp, nếu không sẽ khó thành công" - bà Tuyến chia sẻ.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn cho biết, Việt Nam chắc chắn phải có quy định mạnh mẽ hơn thay vì chỉ khuyến khích.

Nhà nước cần có các chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ, giảm giá thành các bao bì xanh, thân thiện môi trường. Đặc biệt, chính sách liên quan đến thuế nhập khẩu, sử dụng các nguyên vật liệu bao bì (ví dụ từ dầu mỏ) cũng phải được quản lý chặt chẽ, để hạn chế sử dụng bao bì khó phân hủy.

Cũng theo TS. Quân, các chương trình giáo dục, khuyến khích người tiêu dùng phải thực hiện mạnh mẽ hơn, bài bản hơn nữa để nâng cao nhận thức cộng đồng.

"Nhìn chung đây là bài toán khó, Nhà nước phải có những nghiên cứu, xây dựng chính sách, giải pháp đa dạng... mới đạt mục tiêu đề ra" - TS. Quân nói.