Số lượt truy cập

1478475

/ Tin tức

Sở Công Thương Đồng Nai: Kết nối giao thương đặc sản vùng miền

Thời gian gần đây, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương, kết nối đặc sản vùng miền giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, cũng như tổ chức kết nối cung - cầu vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (gọi tắt là chợ đầu mối Dầu Giây, H.Thống Nhất).

* Tìm kiếm kênh phân phối mới

Trong khuôn khổ chương trình kết nối giao thương 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng được Sở Công thương của 2 địa phương tổ chức trong tháng 10 vừa qua, đã có 12 HTX, doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai và 15 HTX, DN của Lâm Đồng tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, trao đổi thông tin và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, chú trọng tìm kiếm kênh phân phối các mặt hàng nông sản thế mạnh, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm)… của 2 địa phương.

Ông Hoàng Trọng Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nhận định, Lâm Đồng có thế mạnh là các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh rất phong phú, nhất là nông sản chế biến, trái cây sấy khô, các loại cà phê, ca cao, trà, sản phẩm từ tơ tằm… Trong khi đó, Đồng Nai lại thuận lợi ở chỗ dân số đông, thị trường lớn, đa dạng kênh phân phối, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối phát triển. Thông qua chương trình kết nối giao thương sẽ tạo cơ hội kết nối tiêu thụ nhiều loại đặc sản của Lâm Đồng với hệ thống phân phối ở Đồng Nai.

Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) - một trong những đơn vị chủ thể sản phẩm OCOP ở Đồng Nai chia sẻ, các sản phẩm chủ lực của cơ sở là trà sen, hạt sen sấy… Hiện HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu hàng chục ha, cũng như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến. HTX mong muốn kết nối với các đơn vị, công ty của Lâm Đồng để mở rộng thị trường, nhất là đối với nhóm sản phẩm các loại trà đặc sản…

Tương tự, ông Lưu Đức Chính, Phó giám đốc Công ty TNHH Mắc ca Việt (H.Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho hay, sản phẩm hạt mắc ca của công ty là sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, sản phẩm của công ty phân phối chủ yếu ở khu vực TP.Đà Lạt, các cửa hàng đặc sản ở Lâm Đồng… với sản lượng khoảng 10 tấn sản phẩm/tháng. Công ty mong muốn mở rộng thị trường về Đồng Nai, nhất là ở các siêu thị, trung tâm thương mại…

Theo đại diện Sở Công thương Đồng Nai, hoạt động kết nối giao thương sẽ góp phần phát triển bền vững, hiện đại từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ của 2 địa phương. Dịp này, 12 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN của 2 tỉnh đã được ký kết.

Trước đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Quảng Trị tổ chức kết nối giao thương giữa DN 2 tỉnh. Tham gia chương trình kết nối giao thương có hơn 10 DN ở Đồng Nai và Quảng Trị. Bên cạnh đó, các DN Quảng Trị còn gặp gỡ, trao đổi với các tiểu thương chợ đầu mối Dầu Giây và bày tỏ dự định sẽ ký kết hợp tác trong thời gian tới.

* Tăng cường kết nối cung - cầu vào chợ đầu mối

Vừa qua, Sở Công thương tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu nông sản vào chợ đầu mối Dầu Giây và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hợp đồng mua bán tại chợ đầu mối này và hội nghị kết nối giao thương giữa tiểu thương ở các chợ truyền thống với chợ đầu mối Dầu Giây.

Một gian trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai tại hội nghị kết nối giao thương giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Ảnh: Hải Quân
Một gian trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai tại hội nghị kết nối giao thương giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Ảnh: Hải Quân

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, thương mại - dịch vụ Vĩnh Tâm (H.Vĩnh Cửu) cho hay, HTX hiện có tổng diện tích khoảng 32ha trồng xoài, rau các loại. Do mới thành lập nên HTX cũng mong muốn tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các loại nông sản sạch, trong đó chú trọng tìm kiếm đối tác tại chợ đầu mối Dầu Giây để mở rộng kênh kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Tương tự, ông Lê Tự Phương Thành, đại diện HTX Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài - HTX có sản phẩm bưởi da xanh đạt chuẩn OCOP của H.Tân Phú chia sẻ, HTX đã mở rộng diện tích trồng bưởi theo hướng VietGAP được khoảng 2 năm nay và dự kiến sẽ phát triển thành mô hình cánh đồng lớn trong thời gian tới. HTX mong muốn kết nối vào chợ đầu mối Dầu Giây với sản lượng ổn định và các hợp đồng dài hạn ổn định về giá cả, cũng như đảm bảo phân hạng sản phẩm rõ ràng, hợp lý.

Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Dầu Giây cho biết, sản lượng tiêu thụ trung bình của chợ đạt khoảng từ
250-300 tấn rau, củ, quả/ngày, đêm. Trong đó, hiện sản lượng trái cây của Đồng Nai tại chợ vào khoảng 50-70 tấn/ngày, đêm chủ yếu tập trung ở các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Tân Phú… Đối với rau củ, sản lượng rau, củ của Đồng Nai chiếm khoảng 45-50% sản lượng rau, củ của chợ…

Ban quản lý chợ sẽ chủ động tư vấn, kết nối các nhà vườn với tiểu thương trong chợ. Đặc biệt, trong giai đoạn này, chợ sẽ xem xét triển khai nhiều chương trình ưu đãi để các tiểu thương, nhà vườn thực sự có nhu cầu thuê ô vựa tại chợ. Chợ vừa chính thức đưa vào sử dụng website chodaumoidaugiaydongnai.com để kết nối giao thương giữa các đơn vị, HTX, tổ hợp tác sản xuất, cung ứng sản phẩm với các tiểu thương trong chợ…