/ Tin tức
Sự thật phía sau hàng loạt hộ kinh doanh đóng cửa ngừng hoạt động: Có phải do thuế? (HT)
hợ truyền thống vắng bóng tiểu thương, hàng loạt cửa hàng bất ngờ đóng cửa khiến dư luận đặt câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra? Nhiều ý kiến vội cho rằng ngành Thuế đang làm khó tiểu thương, nhất là khi triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 19/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Ngành thuế không xử phạt, không gây khó khăn, mà đang tích cực hỗ trợ hộ kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình phù hợp”. Loạt bài này nhằm cung cấp góc nhìn khách quan, làm rõ những hiểu lầm đang gây “nhiễu” dư luận và nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.
Trên các tuyến phố, sạp hàng tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác… đồng loạt đóng cửa ngừng kinh doanh. Điều này chỉ xảy ra trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 do yêu cầu bắt buộc của chính quyền khống chế lây lan dịch bệnh, chứ chưa từng xảy ra trong bối cảnh xã hội bình thường. Vậy, nguyên nhân hiện tượng này do đâu?
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) - trung tâm buôn bán vải vóc, quần áo lớn nhất miền Bắc đang tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động. Một số ít tiểu thương vẫn tiếp tục buôn bán, nhưng lượng khách thưa vắng.
Lý giải nguyên nhân, một số tiểu thương cho biết, thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra hàng hóa tại khu vực này. Do phần lớn hàng hóa là hàng thanh lý, hàng bán theo cân không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, nên nhiều hộ kinh doanh lo sợ bị tịch thu, xử phạt, buộc phải tạm đóng cửa để tránh rủi ro.
Ngoài ra, một số cửa hàng đóng cửa vì lý do kinh doanh không hiệu quả. Một số tiểu thương cho biết, việc cạnh tranh về giá với các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop ngày càng khốc liệt. Nhiều tiểu thương đã lựa chọn ngừng bán trực tiếp tại chợ để chuyển sang bán hàng online.
Chị N. (xin được giấu tên), chủ một ki-ốt bán quần áo tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), cho biết vừa mở cửa trở lại sau 3 ngày “nghe ngóng tình hình”. Chị chia sẻ, nguồn hàng của chị chủ yếu đặt may từ các xưởng gia công nhỏ lẻ. Các nhà cung cấp đều là hộ kinh doanh cá thể, chỉ giao hàng kèm theo biên lai viết tay, không có hóa đơn điện tử do cơ quan thuế phát hành.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều khu vực khác. Tại phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), nhiều cửa hàng giày dép treo biển “xả kho, nghỉ bán”. Một nhân viên tại đây cho biết, hàng hóa phần lớn nhập từ Trung Quốc và từ các cơ sở sản xuất tại Phú Xuyên (Hà Nội), hầu hết đều không có hóa đơn chứng từ. Khi UBND TP. Hà Nội phát động đợt cao điểm kiểm tra hàng giả, nhiều chủ cửa hàng đã lựa chọn dọn kho và tạm ngừng kinh doanh để tránh bị xử phạt.
Ông Lê Dũng, tiểu thương bán quần áo tại chợ Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ rằng dù vẫn nộp thuế khoán và phí chợ đầy đủ, nhưng hàng hóa bán ra chủ yếu được nhập từ các nguồn quen biết, không có hóa đơn. Khi bị yêu cầu chứng minh nguồn gốc, ông và nhiều hộ kinh doanh khác không biết phải làm thế nào.
Một tiểu thương khác chuyên bán giày dép cũng cho biết, hàng hóa của chị chủ yếu được nhập từ các xưởng gia công nhỏ và các đầu mối ở Trung Quốc do giá rẻ, mẫu mã phong phú. Tuy nhiên, do không có hóa đơn chứng từ đầy đủ, việc kinh doanh đang trở nên ngày càng khó khăn trước sự siết chặt kiểm tra của cơ quan chức năng.
Tương tự các hộ kinh doanh thời trang, giày dép không có hóa đơn chứng từ buộc phải đóng cửa để “nghe ngóng”, thời gian gần đây, nhiều cửa hàng kinh doanh hàng xách tay cũng đồng loạt “cửa đóng then cài”.
Ghi nhận của phóng viên tại một cửa hàng chuyên bán thực phẩm chức năng và mỹ phẩm xách tay trên phố Quán Thánh (Hà Nội) cho thấy, cửa hàng này đã tạm ngừng hoạt động gần hai tháng. Trao đổi qua điện thoại, chủ cửa hàng cho biết đã dừng bán công khai từ khi lực lượng chức năng mở đợt cao điểm kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ. Hiện cửa hàng chỉ phục vụ khách quen, giao dịch chủ yếu diễn ra trong nhà.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đầu tư hệ thống máy tính tiền xuất hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế rất hiện đại. Ảnh: TN |
“Hàng chúng tôi bán là hàng thật, nhập xách tay từ Mỹ, nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ tại Việt Nam, nên không thể bày bán công khai như trước nữa”, chủ cửa hàng chia sẻ.
Theo người này, không chỉ riêng cửa hàng của chị, mà nhiều cơ sở bán hàng xách tay khác cũng đang tạm thời đóng cửa để chờ đợi những hướng dẫn, chính sách rõ ràng hơn từ cơ quan chức năng. Trong thời gian này, nếu khách có nhu cầu, vẫn có thể liên hệ qua điện thoại hoặc tin nhắn để được tư vấn và mua hàng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các tuyến phố chuyên kinh doanh hàng thời trang như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Thùng (Hà Nội). Nhiều cửa hàng bán túi xách, phụ kiện nhái các thương hiệu nổi tiếng đã ngừng hoạt động vào ban ngày, chỉ lén lút mở cửa buổi tối để bán cho khách du lịch, chủ yếu nhằm tránh bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt.
“ |
Trong khi đó, tại phố Chùa Bộc - nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang lớn, hoạt động kinh doanh đã dần ổn định trở lại sau đợt ra quân kiểm tra của lực lượng chức năng. Các bảng hiệu “xả kho”, “trả mặt bằng”, “bán hàng siêu rẻ” trước đây treo dày đặc, nay đã được gỡ bỏ. Nhân viên một cửa hàng cho biết: “Chúng em vẫn bán hàng bình thường. Hàng hóa đều có đầy đủ hóa đơn, sử dụng máy tính tiền, có xuất hóa đơn cho khách. Cửa hàng cũng kê khai và nộp thuế theo đúng quy định”.
Khi được hỏi về việc, nếu cơ quan chức năng vẫn quyết liệt hơn nữa trong việc loại bỏ hàng giả, hàng nhập lậu, các hộ kinh doanh có tính đến việc thay đổi mô hình kinh doanh, nhiều tiểu thương bày tỏ sẽ phải tính bước đi lâu dài, không thể kinh doanh “chụp giật” mãi được.
Qua tìm hiểu của phóng viên, được biết, nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ đã thể hiện tinh thần hợp tác tích cực với cơ quan thuế trong việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Nhận thức rõ lợi ích của việc minh bạch hoạt động kinh doanh, thuận tiện trong quản lý sổ sách, đồng thời tạo niềm tin với khách hàng, nhiều hộ đã chủ động tìm hiểu, lắp đặt thiết bị và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Sự chuyển biến về nhận thức này không chỉ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý thuế, mà còn thúc đẩy hình thành thói quen tiêu dùng văn minh, có hóa đơn, có bảo đảm.
Theo đại diện Chi cục Thuế khu vực I (Hà Nội - Hòa Bình), cơ quan này đang quản lý hơn 311.000 hộ và cá nhân kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Trong tháng 5 và 6, có 2.961 hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 263 hộ thuộc diện phải sử dụng hóa đơn, chiếm khoảng 8,8% và khoảng 5% số hộ thuộc diện bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.