Số lượt truy cập

1546686

/ Tin tức

Tạo đột phá trong phát triển hạ tầng thương mại

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra 4 nhiệm vụ đột phá cho nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có nhiệm vụ phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại có lợi thế mà trọng tâm là dịch vụ du lịch, logistics. Trên cơ sở rà soát, đăng ký của các địa phương trong tỉnh, đến năm 2025, cả tỉnh phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng mới 10 chợ, nâng cấp sửa chữa 5 chợ, di dời giải tỏa 8 chợ. Qua đó, dự kiến nâng tổng số lượng chợ trên địa bàn tỉnh đạt 140 chợ.

Toàn tỉnh hiện có 6 trung tâm thương mại, 13 siêu thị, 138 chợ đang hoạt động trong quy hoạch. Bên cạnh đó, còn có 285 cửa hàng tiện lợi theo chuỗi hệ thống của các doanh nghiệp (DN). 

* Cần phù hợp với quy hoạch của địa phương

Để tạo được sự đột phá mới trong phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, các chỉ tiêu phát triển hạ tầng thương mại, việc triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phát triển logistics… cần phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Thống Nhất Trần Quang Tuấn cho biết, địa phương có nhiều lợi thế về các trục đường giao thông huyết mạch trên địa bàn góp phần kết nối, tạo điều kiện để quy hoạch, thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, chợ đầu mối. Liên quan đến việc phát triển quy hoạch về thương mại dịch vụ trên địa bàn, huyện đã có kế hoạch xây dựng, nâng cấp các chợ nông thôn hiện hữu, cũng như kiến nghị các sở, ngành hỗ trợ phát triển các chợ nông thôn phù hợp, hiệu quả trên nhu cầu thực tế của địa phương.

Đặc biệt, đối với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, huyện đã quy hoạch quỹ đất để phát triển, mở rộng quy mô của chợ đầu mối giai đoạn 2. Theo ông Tuấn, huyện chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tư vấn để lấy ý kiến, triển khai lập quy hoạch 1/500 đối với dự án. Trong giai đoạn 2023-2025, huyện phấn đấu lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, đảm bảo quy định.

Trưởng phòng Kinh tế H.Long Thành Lâm Văn Minh chia sẻ, địa phương mong muốn các sở, ngành liên quan hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư về triển khai các dự án thương mại, dịch vụ, trung tâm triển lãm, hội nghị và phát triển trung tâm logistics để tận dụng những lợi thế lớn từ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Riêng phát triển các chợ truyền thống, huyện kiến nghị đầu tư, phát triển phù hợp với thực tế, đảm bảo hiệu quả hoạt động. Bởi hiện nay, nhiều chợ ở nông thôn chỉ họp vào buổi sáng và bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình mua sắm hiện đại như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho hay, tại nhiều địa phương, tình hình phát triển số lượng chợ dự báo đến hết năm 2025 sẽ giảm so với mục tiêu đặt ra. Nguyên nhân là do xu hướng thay đổi sang đầu tư siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đồng thời, chính sách về quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá đất chợ gặp một số khó khăn, vướng mắc.

* Khắc phục những khó khăn

Hiện nay, việc triển khai các nhiệm vụ đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn các địa phương còn tồn tại những khó khăn, thách thức.

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Lục Văn Thủy chia sẻ, tại Đồng Nai, việc triển khai các dự án trên lĩnh vực thương mại còn chậm. Trong đó, chủ yếu do vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... Ngoài ra, nhiều dự án còn gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, liên quan đến môi trường, kết nối giao thông.

“Việc thực hiện quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh còn khá chậm, chưa thực hiện đúng theo phân kỳ đầu tư. Các siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng chủ yếu tập trung tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, H.Long Thành, H.Trảng Bom. Các địa phương còn lại do sức mua thấp, hiệu quả đầu tư chưa cao nên chưa thu hút được các nhà đầu tư” - ông Thủy cho biết thêm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng lưu ý, Sở Công thương và các địa phương cần phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các chỉ tiêu phát triển hạ tầng thương mại, triển khai các nhiệm vụ đột phá trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phát triển logistics… trên địa bàn một cách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trong đó, đánh giá, xây dựng phương án tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Phát triển mạng lưới chợ, khu thương mại, dịch vụ phù hợp với từng địa bàn, đảm bảo hoạt động hiệu quả.