Số lượt truy cập

2495092

/ Tin tức

Tết Trung thu, 'thời gian vàng' để lợi dụng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả (Y)

Dịp Tết Trung thu là thời điểm các đối tượng tăng cường sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, nhất là các mặt hàng bánh trung thu, đồ chơi trẻ em...

Tết Trung thu là thời điểm thị trường hàng hóa sôi động và có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng tăng cường sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là đối với các nhóm mặt hàng: Thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, bánh trung thu, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em.

Để góp phần kiểm soát, bình ổn thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết Trung thu năm 2024 và của người tiêu dùng trong tỉnh; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản yêu cầu các ngành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước và tình hình thực tế, chủ động tăng cường triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực phân công, phân cấp quản lý.

Trong đó, tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, tại các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị..., tập trung vào các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết Trung thu.

Chú trọng kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đồng thời, tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung vào các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Trung thu như nguyên liệu làm bánh trung thu (nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, đường, mỡ, trứng muối, ruốc,..); phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; bánh trung thu, đặc biệt là sản phẩm bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh 2 handmade (tự làm), bánh do nước ngoài sản xuất; các loại thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo,...

Các mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các điểm tập kết, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, chất cấm trong bảo quản và chế biến thực phẩm: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho chứa hàng, bến xe, nhà ga đường sắt, cảng hàng không, cảng biển,... Các phương tiện vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ các tỉnh phía Bắc vào và các tỉnh phía Nam đi qua hoặc vào trong thị trường tỉnh.

Tiếp tục duy trì đường dây nóng, tạo thuận lợi và khuyến khích Nhân dân phát giác, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm để tiến hành ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Hải quan Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường lực lượng trinh sát, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát, nắm địa bàn, kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm và các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thực hiện truy tố đối với những vụ việc mang tính chất hình sự để răn đe, giáo dục.

nguồn: Báo Công Thương