/ Tin tức
Thủ tướng yêu cầu kiên định mục tiêu, thực hiện '3 tăng tốc'
(Chinhphu.vn) - Kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong gần 20 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu "3 tăng tốc" để huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024, giải ngân 100% vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 8% và hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, xây dựng ít nhất 100.000 căn nhà ở xã hội.
Chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trong cả nước. Dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các ban, cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm năm 2025; tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, công tác cải cách thủ tục hành chính; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 7/2025 và trong thời gian tới.
Phiên họp cũng đánh giá về tình hình vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, với các ý kiến của cấp bộ, cấp tỉnh và cấp xã. Trong đó, lãnh đạo một số địa phương cấp xã đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện các dịch vụ công, khám chữa bệnh cho người dân và triển khai các dự án.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong tháng 6 và từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; trong đó có 8 điểm nổi bật về công tác chỉ đạo, điều hành.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chuẩn bị tốt phục vụ kỳ họp thứ 9 mang tính lịch sử của Quốc hội (trình 44 dự án luật, nghị quyết, nhiều nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp).
Trong tháng 6/2025, Chính phủ ban hành 57 nghị quyết, 53 nghị định (trong đó có 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền); Thủ tướng Chính phủ ban hành 22 công điện, 5 chỉ thị. Tính chung 6 tháng, Chính phủ đã ban hành 170 nghị định, 231 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 1.505 quyết định, 21 chỉ thị, 95 công điện.
Thứ hai, tập trung thực hiện quyết liệt nhiều nhiệm vụ quan trọng, mang tính cách mạng, lịch sử: Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; triển khai quyết liệt "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị (các Nghị quyết 57, 59, 66, 68) và đang tập trung hoàn thiện, trình Bộ Chính trị các dự thảo Nghị quyết về y tế, giáo dục, văn hóa.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên. Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công cao nhất có thể để cuối năm đạt 100% kế hoạch; hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường ven biển; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính; xây 100.000 căn nhà ở xã hội… Tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các dự án trọng điểm quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/8/2025, phát triển nhà ở xã hội; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 8% và hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, xây dựng ít nhất 100.000 căn nhà ở xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ tư, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ. Chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động các biện pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp (Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, chỉ đạo sát sao, thường xuyên báo cáo Bộ Chính trị); đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thứ năm, chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt nhiều sự kiện trọng đại của đất nước (kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng; 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; đang tập trung chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9).
Thứ sáu, tập trung xử lý nhiều công trình, dự án tồn đọng, kéo dài, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Thứ bảy, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực văn hoá, xã hội, xây dựng cơ chế, chính sách nhà ở xã hội, thúc đẩy xoá nhà tạm, nhà dột nát; nghiên cứu đề xuất miễn học phí cho học sinh, dùng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để xây dựng trường học bán trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thứ tám, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, triển khai thành công nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao; lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước và đi thăm các nước.