Số lượt truy cập

9320580

/ Tin tức

Thương mại điện tử Việt Nam: Bước chuyển mình sang kỷ nguyên chuyên nghiệp và minh bạch (Y)

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và mức độ minh bạch cao hơn. Trong bối cảnh này, việc nắm rõ và tuân thủ pháp luật không còn là sự lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Mục tiêu của cơ quan quản lý là hỗ trợ cộng đồng hiểu đúng và thực hiện đúng các quy định pháp luật.” Hiện nay, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử tại Việt Nam đã tương đối đầy đủ, bao gồm Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng các văn bản hướng dẫn quan trọng như Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung).

Một trong những điểm thay đổi mang tính bước ngoặt là sự điều chỉnh trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử. Trước đây, theo Nghị định 52, nhiều nền tảng vận hành theo mô hình trung gian, chỉ cung cấp không gian giao dịch và không chịu trách nhiệm về hàng hóa do người bán cung cấp. Tuy nhiên, Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã quy định rõ: nếu sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ thông tin và thu phí từ người bán, thì phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp có hành vi vi phạm. Điều này đồng nghĩa với việc các nền tảng sẽ phải chia sẻ trách nhiệm về chất lượng hàng hóa và tính pháp lý của các giao dịch diễn ra trên hệ thống của mình.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thương mại điện tử mới cũng đưa ra nguyên tắc áp dụng pháp luật thống nhất giữa môi trường thực tế và không gian mạng. Theo đó, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện – chẳng hạn như rượu, thực phẩm chức năng – khi triển khai trên nền tảng trực tuyến vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định, giấy phép giống như trong mô hình bán hàng truyền thống. Thương mại điện tử là một phương thức phân phối, không thể là “vùng xám” để né tránh nghĩa vụ pháp lý.

Để đảm bảo hoạt động kinh doanh trực tuyến an toàn và phù hợp với pháp luật, các tổ chức, cá nhân cần thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý cơ bản như sau:

Đăng ký và thông báo: Mọi website và ứng dụng có chức năng đặt hàng trực tuyến đều phải thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương (online.gov.vn).

Minh bạch thông tin: Người bán phải công khai đầy đủ thông tin về doanh nghiệp (tên, địa chỉ, mã số thuế...) và chi tiết sản phẩm, bao gồm cả việc thể hiện rõ giá bán đã bao gồm hay chưa bao gồm thuế, phí liên quan.

Tuân thủ quy định về nhãn hàng hóa: Nội dung thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng phải phù hợp với các quy định hiện hành về nhãn hàng hóa, ngoại trừ các yếu tố thay đổi theo thời điểm như ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Công khai chính sách bán hàng: Cần có các chính sách rõ ràng, minh bạch và dễ tiếp cận liên quan đến bảo hành, đổi trả, hoàn tiền và kiểm hàng (đồng kiểm). Lưu trữ dữ liệu: Các nền tảng, bao gồm cả người bán sử dụng hình thức livestream, có trách nhiệm lưu trữ dữ liệu về hoạt động phát sóng trong thời hạn tối thiểu ba năm.

Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển đúng hướng, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Luật Thương mại điện tử mới nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển thương mại điện tử một cách bền vững. Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Dự thảo tập trung vào hai trụ cột chính: thứ nhất là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn thất thu thuế, hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thứ hai là thúc đẩy mô hình thương mại điện tử xanh, bền vững và cạnh tranh lành mạnh với doanh nghiệp trong nước. Hai trụ cột này được cụ thể hóa qua sáu nhóm chính sách gồm: xác định loại hình và trách nhiệm của các chủ thể trong thương mại điện tử; mở rộng điều chỉnh đối với các hoạt động xuyên biên giới và nhà đầu tư nước ngoài; kiểm soát hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng đa dịch vụ và mạng xã hội; quy định các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử; hoàn thiện cơ chế giao kết hợp đồng điện tử; và xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại điện tử xanh.

Ngoài ra, Dự thảo còn giải quyết các tồn đọng như việc định danh người bán, truy vết và xử lý hành vi vi phạm, xây dựng cơ chế kiểm soát hàng hóa không đạt chuẩn, và tăng cường công cụ bảo vệ người tiêu dùng. Việc hoàn thiện Luật thương mại điện tử không chỉ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, mà còn mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân – đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời đại số. Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm 2025.

Việc tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu pháp lý không chỉ giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro pháp lý, mà còn tạo dựng uy tín, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững của toàn thị trường. Hệ thống pháp luật không nhằm mục đích gây khó khăn, mà là công cụ bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên tham gia, đồng thời định hình một môi trường thương mại điện tử minh bạch, cạnh tranh công bằng và phù hợp với xu thế hội nhập.

nguồn: Bộ Công Thương