/ Tin tức
Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý IV và năm 2024
Tại thời điểm cuối năm, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu được các tổ chức quốc tế giữ nguyên hoặc điều chỉnh tăng nhẹ so với các dự báo đưa ra trước đó. Cụ thể, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)[2], Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)[3] và Liên minh châu Âu (EU)[4] đều dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 3,2%, giữ nguyên so với dự báo đưa ra trước đó; Fitch Ratings (FR)[5]dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,8%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2024; Liên hợp quốc (UN)[6] nhận định nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2024, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)[7] điều chỉnh tăng trưởng của Đông Nam Á năm 2024 tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 9/2024, từ 4,5% lên 4,7% nhờ xuất khẩu và chi tiêu công mạnh hơn ở các nền kinh tế trong khu vực. Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được dự báo cao nhất khu vực, đạt 6,4%, theo sau là Phi-li-pin đạt 6,0%, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a đạt 5,0%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Xin-ga-po và Thái Lan được dự báo lần lượt đạt 3,5% và 2,6%.
Các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 đạt trên 6,0% và xu hướng này vẫn được duy trì trong năm 2025. Cụ thể, IMF và WB nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,1% trong năm 2024, trong khi đó con số này của ADB là 6,4%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với nhận định trong tháng 9/2024.
I. DỰ BÁO KINH TẾ TOÀN CẦU
1. Các tổ chức quốc tế giữ nguyên hoặc điều chỉnh tăng nhẹ dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024
Theo thông tin cập nhật mới nhất, các tổ chức quốc tế OECD, EU, IMF, FR, UN giữ nguyên hoặc điều chỉnh tăng nhẹ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với dự báo trước đó.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 12/2024, OECD nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn kiên cường, lạm phát ở mức vừa phải và thương mại toàn cầu bắt đầu phục hồi. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 3,2%, giữ nguyên so với dự báo trong tháng 9/2024, và tăng nhẹ lên mức 3,3% vào năm 2025 (tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2024). Lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng việc làm ổn định và chính sách tiền tệ ít hạn chế hơn sẽ làm tăng nhu cầu, dù vẫn còn một số trở ngại từ thắt chặt chính sách tài khóa ở nhiều quốc gia. Sự khác biệt tăng trưởng giữa các quốc gia giảm dần khi tăng trưởng của Hoa Kỳ và Bra-xin có xu hướng chậm lại và quá trình phục hồi ở châu Âu diễn ra nhanh hơn. Nhu cầu trong nước mạnh mẽ ở Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a cùng các chính sách kích thích được công bố gần đây ở Trung Quốc và Nhật Bản dự kiến sẽ giúp châu Á tăng trưởng mạnh.
Liên minh châu Âu (EU)
Trong báo cáo “Dự báo kinh tế mùa thu 2024” công bố tháng 11/2024, EU đánh giá tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ vẫn ở mức vừa phải, với những diễn biến khác biệt giữa các nền kinh tế. Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2024 trước khi tăng lên mức 3,3% vào năm 2025 (giữ nguyên so với dự báo tháng 5/2024) do tác động của việc cắt giảm lãi suất lan tỏa trên toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu (không bao gồm EU) dự kiến sẽ dao động quanh mức 3,5% và 3,6% trong năm 2024 và 2025. EU nhận định nhu cầu trong nước mạnh mẽ tại Hoa Kỳ đã duy trì tăng trưởng, nhưng động lực này dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới. Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục bị đè nặng bởi tiêu dùng hộ gia đình yếu và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn. Tuy nhiên, tăng trưởng ở các nền kinh tế thị trường mới nổi được dự báo ổn định trong năm 2024 và 2025.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật tháng 10/2024 của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 và 2025 dự báo đạt 3,2%, không đổi so với dự báo của tổ chức này trong tháng 7/2024. Tuy nhiên, IMF điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng Hoa Kỳ, giảm dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế phát triển khác, đặc biệt là các quốc gia châu Âu, các thị trường mới nổi, các nền kinh tế đang phát triển, Trung Đông, Trung Á và châu Phi cận Sahara do gián đoạn trong sản xuất và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, xung đột, bất ổn dân sự và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển khu vực châu Á được IMF điều chỉnh tăng nhờ nhu cầu chất bán dẫn và thiết bị điện tử tăng và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tăng mạnh.
Fitch Ratings (FR)
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 12/2024, FR dự báo GDP thế giới đạt 2,8% trong năm 2024 và 2,6% trong năm 2025 (đều tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2024). Động lực chính cho việc điều chỉnh tăng dự báo của Hoa Kỳ là do đánh giá lại triển vọng chi tiêu của người tiêu dùng, khi thu nhập hộ gia đình tăng nhanh hơn so với dự báo và tiết kiệm cũng tăng mạnh hơn.
Liên hợp quốc (UN)
Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 9/2024, UN nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đạt 2,7% trong năm 2024 và 2025, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2024, nhờ hoạt động kinh tế tốt hơn dự kiến ở Hoa Kỳ và triển vọng tăng trưởng ngắn hạn được cải thiện ở các nền kinh tế lớn khác, nhất là Bra-xin, Ấn Độ và Vương quốc Anh.
Hình 1. Đánh giá tăng trưởng toàn cầu năm 2023, dự báo tăng trưởng năm 2024 và 2025 của các tổ chức quốc tế
Nguồn: OECD, EU, IMF, FR và UN
Hình trên cho thấy các tổ chức quốc tế OECD, IMF và EU đều nhận định tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2024 đạt 3,2%, và tăng nhẹ hoặc ổn định trong năm 2025. Riêng FR dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 2,8% và sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 2,6% trong năm 2025. UN dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu thấp nhất, đạt 2,7% trong năm 2024 và 2025.
2. Tổng quan biến động thị trường thế giới
Thương mại hàng hóa toàn cầu ổn định trong năm 2024
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)[8], tăng trưởng khối lượng thương mại năm 2024 dự báo đạt khoảng 2,7%. Xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á và nhập khẩu của các nước Bắc Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2024 trong khi dòng chảy thương mại châu Âu tiếp tục giảm ở cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Đối với xuất khẩu hàng hóa, trừ chỉ số linh kiện điện tử (95,4), các chỉ số thành phần đều trên xu hướng, cụ thể: chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu và nguyên liệu thô đạt 100,5, vận tải hàng không đạt 102,9, sản phẩm ô tô 104,0 và vận chuyển container 105,8. Chỉ số vận tải container cho thấy sự cải thiện lớn nhất trong ba tháng gần đây. Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu đạt 100,5 cho thấy tăng trưởng thương mại ổn định trong thời gian tới.
WB và OECD đồng quan điểm khi nhận định khối lượng thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi ổn định vào năm 2024, với mức tăng trưởng trong Quý III/2024 đạt 4,3% (so với cùng kỳ năm trước) nhờ tiêu dùng hàng hóa của Hoa Kỳ phục hồi. Tăng trưởng khối lượng xuất khẩu cũng gia tăng ở Trung Quốc và các nền kinh tế năng động của châu Á do nhu cầu đối với các sản phẩm liên quan đến công nghệ tăng mạnh. Thương mại dịch vụ vẫn tương đối sôi động trong năm 2024, với sự tăng trưởng vững chắc trong dịch vụ kinh doanh và du lịch.
Lạm phát tiếp tục giảm trên toàn cầu
Trong bối cảnh áp lực giá cả giảm trên diện rộng, IMF và OECD đều nhận định lạm phát chung tiếp tục giảm ở hầu hết các quốc gia trong năm 2024 do giá thực phẩm, năng lượng và hàng hóa giảm mạnh. Lạm phát năm của các nền kinh tế trung bình khu vực OECD đã giảm từ 3,8% vào tháng 10/2023 xuống còn 2,3% vào tháng 10/2024. Lạm phát cũng giảm đáng kể ở Bra-xin và Ấn Độ trong khoảng thời gian này, mặc dù có xu hướng tăng trở lại vào cuối năm 2024. Tại Trung Quốc, lạm phát vẫn ở mức rất thấp, với giá thực phẩm giảm đã làm mặt bằng giá chung giảm. Tại khoảng 2/3 các nền kinh tế phát triển và 3/5 các nền kinh tế thị trường mới nổi, lạm phát đã đạt mục tiêu của ngân hàng trung ương trong tháng 10/2024. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mức mong muốn ở nhiều quốc gia, cho thấy áp lực giá vẫn còn dai dẳng.
Báo cáo Toàn cầu hàng tháng của WB[9] số ra tháng 12/2024 nhận định giá hàng hóa có xu hướng biến động. Giá dầu thô Brent dao động chủ yếu trong khoảng 71-76 đô la Mỹ/thùng trong nửa đầu tháng 11/2024, giảm so với mức hơn 80 đô la Mỹ/thùng vào đầu tháng 10/2024, trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mạnh và lo ngại về nhu cầu yếu. Giá khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ đã giảm trong nửa đầu tháng 11/2024 do thời tiết ôn hòa hơn dự kiến và lượng hàng tồn kho dồi dào. Tuy nhiên, giá đã tăng trở lại sau đó trong bối cảnh dự báo thời tiết lạnh hơn. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng 10,0% tháng 10/2024 (so với cùng kỳ tháng trước) và tiếp tục tăng vào tháng 11/2024 trong bối cảnh dự báo lạnh hơn và nhu cầu dự trữ trước mùa đông. Nhu cầu mạnh mẽ đã khiến giá than tăng 5,0% vào tháng 10/2024 so với cùng kỳ tháng trước.
Giá kim loại đã giảm trong nửa đầu tháng 11/2024, sau khi tăng 5,0% vào tháng 10/2024, trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mạnh và tăng trưởng Trung Quốc chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Giá nông sản nhìn chung không thay đổi nhiều trong tháng 10/2024, khi mức tăng 1,0% của giá thực phẩm được bù đắp bởi mức giảm tương đương của giá đồ uống. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO (FFPI)[10] đạt trung bình 127,5 điểm vào tháng 11/2024, tăng 0,5% so với mức của tháng 10/2024. Mức tăng này chủ yếu do giá các sản phẩm từ sữa và dầu thực vật tăng, bù đắp cho mức giảm của giá thịt, ngũ cốc và đường.
Điều kiện thị trường tài chính tiếp tục nới lỏng
OECD và EU cho rằng điều kiện tài chính đã dễ dàng hơn nhiều kể từ năm 2023 ở cả các nền kinh tế phát triển và các thị trường mới nổi. Lãi suất thực tế trong thời gian tới vẫn ở mức tương đối cao so với trước đại dịch, nhưng giá cổ phiếu tăng và các điều kiện tín dụng bắt đầu được cải thiện. Đồng đô la Mỹ tăng giá đáng kể trong những tháng gần đây.
WB nhấn mạnh sự khác biệt ngày càng tăng trong tình hình tài chính toàn cầu. Tình hình tài chính tại Hoa Kỳ dịu đi sau cuộc bầu cử, khi giá cổ phiếu của Hoa Kỳ giảm, phản ánh kỳ vọng của thị trường về chế độ thuế doanh nghiệp và quy định ôn hòa hơn. Các ngân hàng trung ương lớn của các nền kinh tế phát triển tiếp tục cắt giảm lãi suất chính sách theo kỳ vọng. Tuy nhiên, đồng euro mất giá so với đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng do không chắc chắn về triển vọng thương mại với Hoa Kỳ và bất ổn chính trị tại Đức đã khiến khu vực này có xu hướng thắt chặt. Điều kiện tài chính tại các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển cũng thắt chặt vào tháng 11/2024 do lo ngại khả năng áp dụng thuế quan mới của Hoa Kỳ, tiền tệ của các quốc gia này mất giá so với đồng đô la Mỹ, thể hiện ở định giá cổ phiếu thấp hơn.
Thị trường lao động bớt thắt chặt tại các quốc gia phát triển
Ở hầu hết các quốc gia OECD, thị trường lao động đang hạ nhiệt sau thời kỳ thắt chặt nghiêm trọng trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Tỷ lệ việc làm trống đang giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên ở một số quốc gia OECD, cho thấy giai đoạn thắt chặt thị trường lao động theo chu kỳ đã gần kết thúc. Mặc dù tình trạng thiếu hụt lao động theo chu kỳ có thể đã giảm bớt nhưng tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng vẫn ở mức cao. Lao động có kỹ năng vẫn đang thiếu hụt tại các quốc gia phát triển, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, thông tin và truyền thông. Tình trạng thiếu hụt lao động đang được khuếch đại bởi những thay đổi liên quan đến cơ cấu và công nghệ, bao gồm dân số già hóa, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) và quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Tại EU, tỷ lệ lao động có việc làm đạt mức cao. Theo Điều tra Lực lượng lao động EU, tỷ lệ lao động có việc làm của EU đối với những người trong độ tuổi từ 20-64 đạt 75,8% trong Quý II/2024. Tỷ lệ này tiếp tục tăng đối với lao động trẻ (15-24 tuổi), đối với lao động trong độ tuổi sung sức (25-54 tuổi) và đối với lao động lớn tuổi (55-64 tuổi). Tỷ lệ việc làm của lao động nước ngoài trong độ tuổi từ 20-64 đạt 70,5% trong Quý II/2024. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến vẫn ổn định trong thời gian tới khi áp lực cầu giảm dần, giảm từ mức 6,1% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2026. Chỉ ở một số ít quốc gia thành viên, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến vẫn sẽ cao hơn đáng kể so với năm 2019.
3. Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới
Trong ngắn hạn, IMF đề cập đến bảy rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Thứ nhất, thắt chặt chính sách tiền tệ gây tác động nhiều hơn dự kiến. Mặc dù lãi suất chính sách được dự báo sẽ bình thường hóa, nhưng việc tăng lãi suất bất thường có thể làm giảm tăng trưởng trong ngắn hạn và gia tăng thất nghiệp. Điều này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây sức ép lớn hơn đối với chi tiêu của hộ gia đình và khiến các doanh nghiệp cắt giảm các kế hoạch đầu tư.
Thứ hai, thị trường tài chính định giá lại do đánh giá lại chính sách tiền tệ. Nền kinh tế toàn cầu đang ở chặng cuối của quá trình giảm lạm phát và có thể đặt ra những thách thức lớn hơn đối với chính sách tiền tệ. Nếu lạm phát cơ bản không giảm như dự kiến, người tiêu dùng có thể điều chỉnh kỳ vọng lạm phát trong ngắn hạn, buộc các ngân hàng trung ương phải điều chỉnh lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ. Điều này sẽ làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, dẫn đến việc định giá lại thị trường và thắt chặt điều kiện tài chính, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế. Hiệu ứng lan tỏa có thể xảy ra làm tăng rủi ro đối với ổn định tài chính, gây căng thẳng nợ công ở các thị trường mới nổi và đang phát triển.
Thứ ba, căng thẳng nợ công gia tăng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Mặc dù chênh lệch trái phiếu chính phủ đã giảm kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 7/2022, một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn dễ bị tổn thương trước việc định giá lại rủi ro. Điều này có thể gia tăng chênh lệch nợ công và đẩy các quốc gia này vào tình trạng khó khăn về nợ. Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài trợ ngoài nước và dự trữ quốc tế thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có ít không gian để điều chỉnh chính sách tài khóa. Ngoài ra, các quốc gia thu nhập thấp sẽ dễ bị tổn thương do không gian tài khóa hạn chế trong khi vẫn phải duy trì chi tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế.
Thứ tư, ngành bất động sản Trung Quốc thu hẹp sâu hơn dự kiến. Các điều kiện cho thị trường bất động sản có thể trở nên khó khăn hơn và giá tiếp tục được điều chỉnh trong bối cảnh doanh số và đầu tư giảm. Giá tiếp tục giảm có thể làm giảm lòng tin của người tiêu dùng (vốn đã ở mức thấp kỷ lục), làm suy yếu thêm tiêu dùng hộ gia đình. Điều này có thể khiến nhu cầu trong nước chững lại, tác động tiêu cực lan tỏa đến các nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi.
Thứ năm, giá hàng hóa tăng đột biến do hậu quả của các cú sốc khí hậu, xung đột khu vực hoặc căng thẳng địa chính trị rộng hơn. Gia tăng xung đột khu vực, đặc biệt là xung đột rộng hơn ở Trung Đông và U-crai-na, có thể làm gián đoạn thêm hoạt động thương mại, dẫn đến giá lương thực, năng lượng và các mặt hàng khác tăng. Biến động giá hàng hóa có thể khiến lạm phát cao hơn, đặc biệt đối với các quốc gia nhập khẩu hàng hóa. Nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài trong bối cảnh nhiệt độ cao kỷ lục trên toàn thế giới cũng có thể ảnh hưởng đến mùa vụ, làm tăng thêm áp lực lên giá lương thực và an ninh lương thực. Các quốc gia thu nhập thấp có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí lương thực và năng lượng chiếm phần lớn chi tiêu hộ gia đình.
Thứ sáu, các quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ. Sự rút lui ồ ạt khỏi hệ thống thương mại toàn cầu đang khiến nhiều quốc gia thực hiện các hành động đơn phương. Việc tăng cường các chính sách bảo hộ không chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng trung hạn bằng cách hạn chế lan tỏa tích cực từ đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Thứ bảy, bất ổn xã hội tiếp diễn. Bất ổn xã hội, gồm các cuộc biểu tình lớn và bạo loạn, đã gia tăng ở một số khu vực trên toàn cầu. Sự tái bùng phát của bất ổn xã hội, tác động lan tỏa từ các cuộc xung đột và bất bình đẳng gia tăng có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế. Bất ổn xã hội cũng có thể làm phức tạp thêm việc thông qua và thực hiện cải cách cần thiết.
II. TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ
1. Hoa Kỳ
OECD nhận định tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ năm 2024 đạt 2,8%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 9/2024. Nhập cư tăng mạnh trong những tháng gần đây dẫn đến tiềm năng mở rộng sản xuất của nền kinh tế là cơ sở để OECD đưa ra dự báo tích cực cho tăng trưởng của quốc gia này. Tuy nhiên, sang năm 2025, tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ dần suy giảm, tiêu dùng tư nhân chậm lại là những nguyên nhân khiến OECD dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ chỉ đạt 2,4%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so mới mức 2,8% của năm 2024.
Theo IMF, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ dự báo đạt 2,8% năm 2024, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 7/2024, nhờ tiêu dùng và đầu tư mạnh hơn dự kiến. Tăng tiền lương thực tế và hiệu ứng từ tăng lương là những nhân tố góp phần phục hồi tiêu dùng hộ gia đình. Tăng trưởng GDP năm 2025 của Hoa Kỳ dự báo sẽ chậm lại, đạt 2,2% khi chính sách tài khóa dần thắt chặt, thị trường lao động hạ nhiệt khiến tiêu dùng chậm lại.
Theo ADB, nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động vượt trội trong những tháng cuối năm 2024. Chi tiêu hộ gia đình phục hồi mạnh mẽ, xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ tăng là những yếu tố góp phần vào tăng trưởng GDP. Do đó, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ năm 2024 đạt 2,7%, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2024 và giảm xuống còn 1,8% năm 2025.
Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 đạt 2,7%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2024, sau đó giảm xuống còn 2,1% năm 2025.
Trading Economics[11] dự báo tăng trưởng GDP Quý IV/2024 của Hoa Kỳ tăng 1,7% so với quý trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Trading Economics, chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ tháng 12/2024 đạt 56,6 điểm, tăng 1,7 điểm so với mức 54,9 điểm trong tháng 11/2024, phản ánh mức tăng mạnh mẽ của hoạt động khu vực tư nhân, trong đó ngành dịch vụ đóng góp nhiều nhất. Chỉ số PMI dịch vụ đạt 58,5 điểm, tăng 2,4 điểm so với mức 56,1 điểm trong tháng 11/2024, do đơn hàng mới của ngành dịch vụ tăng ở mức cao chưa từng có kể từ tháng 10/2021 và việc làm tăng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2024. PMI chế biến chế tạo chỉ đạt 48,3 điểm (giảm 1,4 điểm so với mức 49,7 điểm trong tháng 11/2024) do hoạt động của các nhà máy sản xuất tại Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong 6 tháng qua trong khi đơn hàng mới của ngành chế biến chế tạo vẫn đang trên đà giảm, chạm ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 8/2009 (không tính cú sốc do đại dịch gây ra vào Quý II/2020).
Hình 2. Đánh giá tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 và 2025 theo các tổ chức quốc tế
Nguồn: IMF, OECD, ADB và FR
Như vậy, các tổ chức quốc tế (OECD, FR, IMF và ADB) đều điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Hoa Kỳ tăng từ 0,2 – 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, lên mức 2,7% – 2,8%, sau đó giảm xuống mức 1,8% – 2,4% năm 2025. Trong đó, IMF và OECD dự báo tăng trưởng năm 2024 của Hoa Kỳ đạt 2,8% còn ADB và FR dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 đạt 2,7%, đều thấp hơn mức 2,9% của năm 2023.
2. Khu vực đồng Euro
OECD dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro đạt 0,8% năm 2024, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 9/2024 và đạt 1,3% năm 2025. Tăng lương và thị trường lao động sôi động hỗ trợ tiêu dùng tư nhân, đi kèm với tăng trưởng thu nhập bền vững và điều kiện tín dụng thuận lợi là những điều kiện tích cực khiến OECD điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này.
ADB dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro đạt 0,8% năm 2024, giữ nguyên mức dự báo như đã đưa ra trong tháng 9/2024 và đạt 1,3% năm 2025. Việc Ngân hàng trung ương châu Âu nới lỏng chính sách tiền tệ, đẩy mạnh khả năng tiếp cận tín dụng và thu nhập thực tế hộ gia đình tăng do tiền lương tăng là những nhân tố tích cực khiến ADB dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro năm 2025 cao hơn nhiều so với mức 0,8% của năm 2024.
IMF nhận định tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro năm 2024 đạt 0,8%, điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 7/2024. Mặc dù xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tốt hơn dự kiến nhưng tăng trưởng thấp của một số quốc gia như Đức và I-ta-li-a do ngành chế biến chế tạo tiếp tục yếu khiến IMF đánh giá tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro năm 2024 ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, IMF nhìn nhận khả quan hơn đối với tăng trưởng GDP của khu vực này năm 2025 khi tăng trưởng tiền lương thực tế sẽ thúc đẩy tiêu dùng và tăng nhu cầu nội địa trong khi chính sách tiền tệ dần nới lỏng sẽ thúc đẩy đầu tư. Theo đó, IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của khu vực đồng Euro đạt 1,2%.
Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro năm 2024 đạt 0,8%, giữ nguyên mức dự báo như đã đưa ra trong tháng 9/2024 và đạt 1,2% năm 2025.
Theo Trading Economics, GDP Quý IV/2024 của khu vực đồng Euro dự báo tăng 0,3% so với Quý III/2024 và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số PMI tổng hợp của khu vực đồng Euro trong tháng 12/2024 đạt 49,5 điểm, tăng 1,2 điểm so với mức 48,3 điểm của tháng 11/2024, phản ánh tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực dịch vụ. Chỉ số PMI chế biến chế tạo đạt 45,2 điểm tháng 12/2024, không đổi so với tháng 11/2024 trong khi PMI dịch vụ đạt 51,4 điểm, tăng 1,9 điểm so với 49,5 điểm của tháng 11/2024.
Hình 3. Đánh giá tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 và 2025 theo các tổ chức quốc tế
Nguồn: OECD, ADB, IMF và FR
Như vậy, các tổ chức quốc tế (ADB, OECD, IMF và FR) đều nhận định tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro dự báo sẽ phục hồi từ mức tăng trưởng thấp của năm 2023 (0,4% – 0,5%) lên mức 0,8% năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025, dự báo đạt khoảng 1,2% – 1,3%.
3. Nhật Bản
IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản chỉ đạt 0,3% năm 2024, điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 7/2024, phản ánh gián đoạn tạm thời nguồn cung trong ngành công nghiệp ô tô và tăng trưởng du lịch suy yếu. Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương thực tế mạnh lên khiến tiêu dùng tư nhân tăng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2025. Theo đó, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2025 đạt 1,1%.
ADB nhận định năm 2024, nền kinh tế Nhật Bản mất động lực tăng trưởng trong Quý III/2024 và tiếp tục ảm đạm trong Quý IV/2024 do ảnh hưởng của việc chi tiêu hộ gia đình vẫn âm trong tháng 9/2024, tiền lương thực tế không khởi sắc sau khi lạm phát tăng nhanh trong tháng 6 và tháng 7/2024, đơn hàng xuất khẩu mới của ngành chế biến chế tạo giảm, đầu tư tư nhân yếu. Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng GDP Nhật Bản đạt mức -0,2% năm 2024, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2024 và đạt 1,2% năm 2025 khi tăng trưởng tiền lương thực tế dự kiến phục hồi từ mức âm sẽ hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Theo FR, sau khi đạt mức tăng trưởng 1,7% năm 2023, tăng trưởng GDP của Nhật Bản được dự báo đạt -0,2% năm 2024 và 1,2% năm 2025.
OECD tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2024 xuống -0,3%, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 9/2024. Mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản âm trong năm 2024 nhưng OECD đưa ra nhận định khả quan về nền kinh tế này trong năm 2025 khi mức lương thực tế tăng, lợi nhuận tăng nhanh và trợ cấp tài chính thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Theo đó, OECD dự báo Nhật Bản sẽ phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, đạt 1,5%.
Trading Economics dự báo GDP Quý IV/2024 của nền kinh tế Nhật Bản tăng 0,5% so với quý trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số PMI tổng hợp tháng 12/2024 của Nhật Bản đạt 50,8 điểm, tăng 0,7 điểm so với mức 50,1 điểm của tháng 11/2024, phản ánh tháng tăng thứ 2 liên tiếp của khu vực tư nhân và đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ tháng 9/2024 do tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dịch vụ (PMI dịch vụ đạt 51,4 điểm, tăng 0,9 điểm so với mức 50,5 điểm của tháng 11/2024). PMI chế biến chế tạo đạt 49,5 điểm, tăng 0,5 điểm so với mức 49,0 điểm của tháng 11/2024.
Hình 4. Đánh giá tăng trưởng của Nhật Bản năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 và 2025 theo các tổ chức quốc tế
Nguồn: IMF, ADB, FR và OECD
Theo Hình 4, hầu hết các tổ chức quốc tế (OECD, ADB và FR) đều dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2024 đạt mức âm (khoảng -0,3% đến -0,2%), giảm từ 1,9 – 2,0 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 1,7% năm 2023. Riêng IMF nhận định khả quan hơn khi cho rằng năm 2024 kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,3%, chỉ giảm 1,4 điểm phần trăm so với tăng trưởng của năm 2023. Mặc dù nhận định không mấy khả quan về tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2024 nhưng các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ khởi sắc trong năm 2025 và tăng trưởng GDP đạt khoảng 1,1% – 1,5%.
4. Trung Quốc
OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc, đạt 4,9% như đã đưa ra trong tháng 9/2024, do nới lỏng chính sách tiền tệ giúp đầu tư tăng đi kèm với việc chính phủ chi tiêu mạnh hơn và tăng trưởng tiêu dùng trong nước ổn định. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước vẫn bị kìm hãm do tiết kiệm dự phòng ở mức cao, thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu là những nguyên nhân khiến OECD dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2025 đạt 4,7%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2024.
Theo ADB, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong 3 quý đầu năm 2024 đạt 4,8%, đúng như kỳ vọng do hoạt động xuất khẩu và công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu và các chính sách thúc đẩy nâng cấp thiết bị đã tác động tích cực lên sản xuất công nghiệp, đặc biệt sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước yếu, lĩnh vực bất động sản vẫn còn mong manh đã kìm hãm tăng trưởng. Từ cuối tháng 9/2024, chính phủ công bố một số biện pháp hỗ trợ, bao gồm sử dụng trái phiếu có mục đích đặc biệt và tăng trần nợ để hỗ trợ chính quyền địa phương. Ngoài ra, để hỗ trợ thị trường bất động sản, ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất cơ bản, lãi suất thế chấp và thanh toán ban đầu. Tuy nhiên, việc mở rộng tài khóa có thể bị hạn chế do nợ tăng và doanh thu yếu, trong khi việc liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ phải đối mặt với những thách thức do nhu cầu tín dụng yếu, cùng với căng thẳng thương mại, đặc biệt với Hoa Kỳ, là những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Do đó, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2024 đạt 4,8%, giữ nguyên so với mức dự báo trong tháng 9/2024 và đạt 4,5% năm 2025.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 đạt 4,8%, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 7/2024, chủ yếu do lĩnh vực bất động sản vẫn còn yếu, niềm tin người tiêu dùng thấp mặc dù xuất khẩu ròng tốt hơn dự kiến. IMF dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2025 đạt 4,5%.
Theo FR, sau khi tăng trưởng đạt 5,2% năm 2023, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc giảm dần. FR dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 4,8% năm 2024 và 4,3% năm 2025.
WB nhận định đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ổn định trong ngắn hạn do tâm lý người tiêu dùng dần phục hồi và tác động tích cực của chính sách kích thích kinh tế. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản yếu, đi kèm với nhu cầu bên ngoài giảm, đã làm giảm triển vọng ngắn hạn của Trung Quốc. Ngoài ra, mức nợ cao, dân số già hóa và mất cân bằng kinh tế dai dẳng cũng là những tác nhân tiêu cực ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Do đó, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 4,5% năm 2024, giảm 0,7 điểm phần trăm so với mức 5,2% của năm 2023 và đạt 4,3% năm 2025.
Theo Trading Economics, GDP Quý IV/2024 của nền kinh tế Trung Quốc dự báo tăng 0,7% so với Quý III/2024 và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số PMI tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 11/2024 đạt 52,3 điểm, tăng 0,4 điểm so với chỉ số của tháng trước, đồng thời là tháng tăng cao nhất kể từ tháng 6/2024, phản ánh 13 tháng tăng liên tục của hoạt động khu vực tư nhân, trong đó lĩnh vực chế biến chế tạo tăng nhanh hơn đã bù đắp cho lĩnh vực dịch vụ giảm nhẹ. Chỉ số PMI dịch vụ giảm từ mức 52,0 điểm của tháng 10/2024 xuống 51,5 điểm trong tháng 11/2024. PMI chế biến chế tạo của tháng 11/2024 tăng 1,2 điểm so với mức 50,3 điểm của tháng 10/2024 (đạt 51,5 điểm).
Hình 5. Đánh giá tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 và 2025 theo các tổ chức quốc tế
Nguồn: OECD, ADB, IMF, FR và WB
Như vậy, các tổ chức quốc tế cùng nhận định tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 sẽ chậm lại, đạt khoảng 4,5% – 4,9%, thấp hơn mức 5,2% của năm 2023 và tiếp tục giảm trong năm 2025, chỉ đạt khoảng 4,3 – 4,7%.
5. Đông Nam Á
Trong báo cáo tháng 12/2024, ADB nhận định triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á năm 2024 được điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm từ 4,5% lên 4,7%, nhờ xuất khẩu hàng chế biến chế tạo và chi tiêu công mạnh hơn ở các nền kinh tế trong khu vực. Các ngành chế biến chế tạo và thương mại của khu vực được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành điện tử và sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng trưởng tăng ở Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Xin-ga-po và Việt Nam được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước tăng, lạm phát thấp hơn và đầu tư công bền vững. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị, tình trạng phân mảnh thương mại và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như Bão Yagi và Bão nhiệt đới Trami gây ra rủi ro cho tăng trưởng, đặc biệt là nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Phi-li-pin
Dự báo tăng trưởng của Phi-li-pin không thay đổi trong năm 2024 và 2025, đạt mức tương ứng 6,0% và 6,2%. Tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế tăng nhanh hơn trong Quý III/2024. Lạm phát được điều tiết và nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng. Về phía cung, khu vực dịch vụ, xây dựng và sản xuất đóng góp vào tăng trưởng chung. Dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, trong khi đó thương mại bán lẻ, du lịch và công nghệ thông tin, gia công là những động lực đóng góp chính. Chỉ số PMI chế biến chế tạo đạt 53,8 điểm vào tháng 11/2024, mức cao nhất trong hơn 2 năm, với sự gia tăng mạnh mẽ về sản xuất và việc làm. Các dự án cơ sở hạ tầng công cộng cùng với xây dựng tư nhân sôi động tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng.
In-đô-nê-xi-a
Dự báo tăng trưởng của In-đô-nê-xi-a đạt 5,0% trong hai năm 2024 và 2025 nhờ tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng công cộng và đầu tư cải thiện. Nền kinh tế In-đô-nê-xi-a tăng trưởng 5,0% trong Quý III/2024 và cũng đạt trung bình 5,0% trong 3 quý đầu tiên. Tiêu dùng tư nhân vẫn vững chắc trong khi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng công cộng tăng nhờ phát triển thủ đô mới và xây dựng đường giao thông. Xuất khẩu ròng đóng góp khiêm tốn vào tăng trưởng. Ngân hàng In-đô-nê-xi-a đã hạ lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản xuống còn 6,0% vào tháng 9/2024 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ma-lai-xi-a
Tại Ma-lai-xi-a, dự báo tăng trưởng năm 2024 được điều chỉnh tăng từ 4,5% (dự báo trong tháng 9/2024) lên 5,0% và đạt 4,6% vào năm 2025. Nền kinh tế Ma-lai-xi-a hoạt động tốt hơn dự kiến khi xuất khẩu, đầu tư tài sản cố định và chi tiêu công tăng mạnh trong Quý III/2024. Xuất khẩu hàng hóa tăng 5,2% trong 9 tháng đầu năm 2024 do nhu cầu tăng đáng kể từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, ASEAN và Ấn Độ. Ngành xây dựng tăng gần 20% nhờ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng công cộng lớn như Giai đoạn 1 của Đường liên kết Sarawak-Sabah và Đường cao tốc Pan Borneo. Niềm tin người tiêu dùng tốt hơn và điều kiện thị trường lao động thuận lợi hỗ trợ tiêu dùng tư nhân.
Thái Lan
So với dự báo trong tháng 9/2024, tăng trưởng GDP của Thái Lan năm 2024 được điều chỉnh tăng từ mức 2,3% lên 2,6%, phản ánh chi tiêu công và phục hồi xuất khẩu mạnh hơn dự kiến. Dự báo tăng trưởng năm 2025 giữ nguyên ở mức 2,7%. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2024 nhờ chi tiêu công cao, sản xuất mở rộng, du lịch và xuất khẩu vàng tăng. Tiêu dùng của chính phủ tăng 6,3% và đầu tư công tăng 25,9% trong Quý III/2024. Chính sách tài khóa, bao gồm cả chương trình phát tiền mặt, sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng. Xuất khẩu hàng hóa tăng 8,3%, dẫn đầu là xuất khẩu gạo và sản phẩm chế biến chế tạo (sản phẩm điện tử, đặc biệt là linh kiện máy tính và thiết bị viễn thông, ô tô chở khách, máy điều hòa không khí và máy móc). Xuất khẩu dịch vụ tăng 21,9% do du lịch tăng mạnh.
Xin-ga-po
Tại Xin-ga-po, so với dự báo trong tháng 9/2024, GDP năm 2024 được điều chỉnh tăng từ 2,6% lên 3,5% và đạt 2,6% trong năm 2025. Tăng trưởng ngành chế biến chế tạo đạt 11,0% trong Quý III/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PMI của ngành chế biến chế tạo ở mức mở rộng (50,8 điểm) vào tháng 10/2024. Niềm tin kinh doanh trong lĩnh vực chế biến chế tạo tích cực, bất chấp căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa các đối tác. Tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng được thúc đẩy bởi sự gia tăng hoạt động xây dựng của khu vực công.
Hình 6. Đánh giá tăng trưởng năm 2023 và dự báo tăng trưởng
năm 2024 và 2025 của các quốc gia ASEAN
Nguồn: ADB
Theo Hình 6, tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam được dự báo cao nhất trong 6 quốc gia Đông Nam Á, đạt 6,4%, tiếp theo là Phi-li-pin đạt 6,0% và In-đô-nê-xi-a đạt 5,0%. Tăng trưởng năm 2024 của Xin-ga-po và Thái Lan được dự báo thấp hơn, đạt 3,5% và 2,6% trong năm 2024.
Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý IV/2024 so với cùng kỳ năm trước của Phi-li-pin đạt 6,0%; In-đô-nê-xi-a 5,2%; Ma-lai-xi-a 6,0%; Thái Lan 2,9%, Xin-ga-po 3,1%. Tăng trưởng Quý IV/2024 so với quý trước của các quốc gia trên lần lượt là 1,2%; 0,5%; -0,8%; -0,2% và 0,8%.
6. Việt Nam
Dự báo của WB[12]
Triển vọng kinh tế của Việt Nam được nhìn nhận khá tích cực, cơ hội và rủi ro ở thế cân bằng. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, sau đó tăng lên 6,5% trong năm 2025, điều chỉnh tăng lần lượt 0,6 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2024 của WB. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu dẫn đến thay đổi mô hình thương mại và đầu tư, Việt Nam đang hưởng lợi từ việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế trong khu vực và với các quốc gia lớn khác, từ đó có thể giúp tạo ra các chế độ thương mại cởi mở và ổn định hơn. Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã làm tăng năng suất của các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực. Năng suất tăng lên từ tự động hóa và quy mô sản xuất cao hơn đã giúp tạo việc làm cho những người lao động có tay nghề cao.
Dự báo của IMF[13]
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt 6,1% trong năm 2024 nhờ nhu cầu bên ngoài và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh, cũng như thực hiện các chính sách thích ứng. Tăng trưởng nhu cầu trong nước dự báo sẽ dần phục hồi trong khi lĩnh vực bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn.
Tuy nhiên, cũng cần chú ý tới một số rủi ro đối với nền kinh tế. Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể suy yếu nếu tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu vẫn tiếp diễn hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Với điều kiện tiền tệ dễ dàng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài hơn, có thể dẫn đến lạm phát trong nước. Sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể gây áp lực nhiều hơn đối với khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và làm suy yếu ổn định tài chính.
Dự báo của ADB
ADB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với dự báo trong tháng 9/2024, từ 6,0% lên 6,4% cho năm 2024 và từ 6,2% lên 6,6% cho năm 2025. Hoạt động thương mại mạnh mẽ, ngành chế biến chế tạo phục hồi nhờ xuất khẩu tăng và các chính sách kích thích tài khóa đã giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,8% trong 3 quý đầu năm 2024. Sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất và thương mại định hướng xuất khẩu, được hỗ trợ bởi sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Hoa Kỳ, dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng GDP. Đầu tư công tăng tốc và các chính sách tài khóa và tiền tệ thích ứng sẽ tiếp tục kích thích nhu cầu trong nước. Bất chấp những tác động nghiêm trọng do bão Yagi gây ra ở nhiều nơi trên cả nước, phản ứng nhanh chóng của chính phủ và những nỗ lực phục hồi đã hạn chế được tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Dự báo của OECD
OECD dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,9% trong năm 2024 và giảm xuống mức 6,5% vào năm 2025. Tiêu dùng cá nhân sẽ được hưởng lợi từ tăng lương và việc làm. Đầu tư sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kế hoạch tăng đầu tư công. Nhu cầu toàn cầu được cải thiện và lượng khách du lịch sẽ thúc đẩy xuất khẩu, mặc dù căng thẳng địa chính trị có thể làm tăng chi phí đầu vào trung gian và hậu cần, từ đó gây áp lực lên xuất khẩu.
Hình 7. Đánh giá tăng trưởng năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024
và năm 2025 của Việt Nam theo các tổ chức quốc tế
Nguồn: WB, IMF, ADB và OECD
Theo Hình trên, các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 đạt từ 6,1% – 6,9% và đạt từ 6,1% – 6,6% trong năm 2025.
Theo Trading Economics, tăng trưởng Quý IV/2024 của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đạt 7,0%.
Biểu 1. Tốc độ tăng trưởng GDP Quý IV năm 2024 của một số quốc gia
Đơn vị tính: %
Nguồn: Trading Economics, cập nhật ngày 27/12/2024.
Biểu 2. Đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 và 2025
của toàn cầu và một số quốc gia trên thế giới
Đơn vị tính: %
Nguồn: OECD, IMF, FR và EU cập nhật ngày 30/12/2024
[1] Báo cáo được cập nhật đến ngày 29/12/2024.
[2] OECD (Tháng 12/2024), “Báo cáo Triển vọng kinh tế OECD tháng 12/2024t”, https://www.oecd.org/en/publications/oecd-economic-outlook-volume-2024-issue-2_d8814e8b-en.html, truy cập ngày 27/12/2024.
[3] IMF (Tháng 10/2024), “Triển vọng kinh tế thế giới – Chính sách xoay trục, mối đe dọa gia tăng”, https://www.imf.org/-/media/Files/Publications/WEO/2024/October/English/text.ashx, truy cập ngày 27/12/2024.
[4] EU (Tháng 11/2024), “Dự báo kinh tế mùa thu 2024 – Sự phục hồi dần dần trong một môi trường bất lợi”, https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_24_5787, truy cập ngày 27/12/2024.
[5] FR (Tháng 12/2024), “Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 12/2024”, https://www.fitchratings.com/research/sovereigns/global-economic-outlook-december-2024-05-12-2024, truy cập ngày 27/12/2024.
[6] UN (Tháng 9/2024), “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới – cập nhật tháng 9/2024”, https://www.un.org/development/desa/dpad/wp-content/uploads/sites/45/WESP-2024_September_2024_WEB.pdf, truy cập ngày 31/12/2024.
[7] ADB (Tháng 12/2024), “Triển vọng phát triển châu Á tháng 12/2024”, https://www.adb.org/publications/asian-development-outlook-december-2024, truy cập ngày 27/12/2024.
[8] WTO (Tháng 12/2024), “Thước đo thương mại hàng hóa tháng 12/2024”, https://www.wto.org/english/news_e/news24_e/wtoi_09dec24_e.htm, truy cập ngày 27/12/2024.
[9] WB (Tháng 12/2024), “Báo cáo Toàn cầu hàng tháng, tháng 11-12/2024”, https://thedocs.worldbank.org/en/doc/abf6fab46b08d9edfcf1187e6a3e108e-0350012023/related/Global-Monthly-November-December-2024.pdf, truy cập ngày 27/12/2024.
[10] FAO (Tháng 12/2024), “Chỉ số giá lương thực thực phẩm”, https://www.fao.org/worldfoodsituation/foodpricesindex/en/, truy cập ngày 27/12/2024.
[11] Trading Economics (Tháng 12/2024), https://tradingeconomics.com/united-states/forecast truy cập ngày 27/12/2024.
[12] WB, tháng 10/2024, “Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương – Việc làm và công nghệ”, https://www.worldbank.org/en/publication/east-asia-and-pacific-economic-update, truy cập ngày 27/12/2024.
[13] IMF, tháng 9/2024, “Báo cáo quốc gia của IMF số 24/306 – Tham vấn Điều IV với Việt Nam tháng 9/2024”,