/ Tin tức
Truyền thông Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2024
Để đảm bảo hiệu quả công tác chuyển đổi số, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024 bao gồm 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Để đảm bảo hiệu quả công tác chuyển đổi số, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024 bao gồm 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2024 (Hình từ Internet)
Tại Quyết định 135/QĐ-BNV ngày 23/02/2024 ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2024, Bộ Nội vụ đặt ra 06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm:
(1) Tăng cường nhận thức về chuyển đổi số
- Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về Chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ và qua kênh Zalo OA của Bộ Nội vụ.
- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ, kết hợp phương pháp đào tạo truyền thống và thông qua các nền tảng công nghệ số đặc biệt là Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOC).
- Tổ chức hội nghị, tập huấn phổ biến, quán triệt việc tuân thủ kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ cho công chức, viên chức liên quan trực tiếp đến triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.
- Tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn phổ biến, quán triệt công tác chi cho chuyển đổi số.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về chuyển đổi số; lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong các hoạt động hợp tác quốc tế (đề án, dự án, hội nghị, hội thảo, bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác...) của Bộ Nội vụ với các đối tác nước ngoài.
- Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin mạng cho công chức, viên chức Bộ Nội vụ.
- Tổ chức các cuộc họp trực tuyến theo chủ đề bảo đảm phù hợp với định hướng của Chính phủ trong Chuyển đổi số.
(2) Hoàn thiện môi trường pháp lý
- Hoàn thiện Dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi trình Quốc hội.
- Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ (sửa đổi).
- Dự thảo Thông tư của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ lưu trữ tài liệu lưu trữ số.
- Ban hành Thông tư của Bộ Nội vụ quy định về mẫu thẻ công chức, viên chức điện tử.
- Nghiên cứu ban hành văn bản để tạo cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số trong Bộ theo hướng ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cho chuyển đổi số; chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác chuyển đổi số.
- Ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh quản lý chi cho chuyển đổi số năm 2024.
- Ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ, phiên bản 3.0.
- Ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Danh mục mã định danh điện tử các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
(3) Phát triển hạ tầng số
- Cải tạo, mở rộng Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ Nội vụ theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kiểm soát, cung cấp dịch vụ hạ tầng tối ưu với hiệu năng cao của các đơn vị trong Bộ, đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu cấp độ 3 trở lên phục vụ phát triển Chính phủ số của Bộ Nội vụ theo yêu cầu đặt ra.
- Triển khai hệ thống giám sát tập trung về an toàn thông tin trên không gian mạng cho phép đơn vị vận hành có thể nhìn được tổng thể các nguy cơ tấn công mạng đối với các hệ thống thông tin của Bộ Nội vụ, thậm chí đến từng máy tính cụ thể bên trong mỗi hệ thống nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, nhân lực vận hành.
- Trang bị bản quyền phần mềm diệt virus cho tất cả máy tính của công chức, viên chức đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
(4) Hoàn thiện các nền tảng số và phát huy dữ liệu số
- Tiếp tục triển khai Dự án Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Bộ Nội vụ - giai đoạn 2.
- Tiếp tục hoàn thiện các hạng mục xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp ngành Nội vụ và Trung tâm điều hành thông minh Bộ Nội vụ (IOC) đảm bảo 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu hiện có được kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm điều hành thông minh của Bộ Nội vụ.
- Triển khai Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024.
(5) Nhân lực số
- Đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số, cho công chức, viên chức, người lao động trong Bộ phù hợp với vị trí việc làm, nhằm tăng cường lực lượng nòng cốt, lan tỏa kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác chuyển đổi số.
- Đề xuất tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin bổ sung cho Tổ Chuyển đổi số của các đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế thuê chuyên gia, kỹ sư vận hành hệ thống và an toàn, an ninh mạng của Bộ Nội vụ.
- Phân công cụ thể để giao trách nhiệm, đôn đốc, đánh giá việc hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.
(6) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
- Tiếp tục triển khai, nâng cấp, phát triển trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC), kết nối và chia sẻ thông tin, dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin). Hệ thống thông tin được quản lý, vận hành theo mô hình 4 lớp theo Chỉ thị 14/CT-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai phần mềm phòng chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho toàn bộ máy trạm, máy chủ theo văn bản 2290/BTTTT-CATTT ngày 17/7/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Các hệ thống thông tin hiện có và sau khi đầu tư xây dựng phải được giám sát trực tiếp và kết nối chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an trong việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng của Bộ Nội vụ.
- Giám sát, phát hiện, ngăn chặn, rà soát, xử lý IP botnet được phát hiện, cảnh báo và xử lý, loại bỏ mã độc; chủ động ứng phó các mối đe dọa, tấn công mạng và ứng cứu sự cố, khôi phục hoạt động bình thường của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.