/ Tin tức
Vì sao ngành cơ khí Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng?
Ngành cơ khí Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, từ công nghệ đến quản lý và cạnh tranh trong thị trường quốc tế.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với các sản phẩm như khuôn mẫu, linh kiện cơ khí, nhựa và cao su kỹ thuật,... cơ khí trong nước đã đảm nhận được với năng lực tốt.
Cụ thể, linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), dù đã có nhiều bước tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ; nhiều sản phẩm đã kết nối và vươn được ra nước ngoài, song nhìn chung toàn ngành, sản phẩm của đa số doanh nghiệp trong nước vẫn có chất lượng và độ chính xác thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh.
“Cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, nhưng các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị phần. Trong khi miếng bánh thị phần rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ USD, nhưng liệu doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh và khả năng để chiếm lĩnh thị phần trong đó”- VAMI nêu thực trạng.
Trên thực tế đã có một số doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, có khả năng chế tạo được các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, nhưng số doanh nghiệp này còn quá ít ỏi và cũng đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển bền vững. Theo đó, mỗi năm, nước ta phải tốn vài chục tỷ USD nhập máy móc, thiết bị về để xây dựng các công trình, phát triển các ngành công nghiệp trong nước, trong khi ngành cơ khí chế tạo Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do các cấp, các ngành chưa thật sự nhận thức đúng về vị trí, vai trò cần thiết xây dựng và phát triển công nghiệp cơ khí; các cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ tạo điều kiện để khuyến khích, phát triển ngành cơ khí. Trong khi thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0, nhưng trình độ sản xuất của ngành cơ khí Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của 3.0 do thiếu nguồn lực đầu tư công nghệ mới, hạ tầng kỹ thuật, kĩ năng còn yếu.
Ngoài ra, trên thực tế chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Đồng thời, thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt.
Phát triển công nghiệp hạ nguồn, tăng nội địa hoá
Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành cơ khí Việt Nam đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI đòi hỏi cơ quan quản lý có những cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, yêu cầu các dự án kinh tế ưu tiên sử dụng hàng nội địa.
Bà Trương Thị Chí Bình- Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, muốn ngành cơ khí trong nước phát triển phải có được thị trường, nhưng để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước theo hướng nếu những thiết bị nào trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không cho nhập khẩu.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Hà Nội bày tỏ, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp cơ khí là thị trường. Bộ Công Thương cần định hình cho doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng, phân chia thị trường như thế nào để có cơ hội cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa. Sau đó mới mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh để từ đó tham gia chuỗi cung ứng.
Nêu thêm quan điểm, ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE), các doanh nghiệp cơ khí cần phải nhận thức đầy đủ nhu cầu từ thị trường toàn cầu, hiểu rõ nhu cầu khách hàng. Số lượng bao nhiêu, sản phẩm thế nào, giá trị dịch vụ cộng thêm là gì, sự cải tiến được mong đợi. Từ đó, các doanh nghiệp thấy được vị trí của mình cũng như những hạn chế nào còn tồn tại cần khắc phục để có thể đáp ứng những yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu như những quy trình nào cần phải được đặt ra, những chứng chỉ nào cần phải được cung cấp, những kỹ năng nào cần phải được phát triển.
“Dựa trên đó, bản thân các doanh nghiệp cơ khí cần phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp cho doanh nghiệp, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tìm mọi cách giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới. Chúng ta với nguồn lực yếu, khó cạnh tranh với các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia nên phải tìm giải pháp liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp này để phát triển” - ông Đỗ Phước Tống nêu quan điểm.
Về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, để phát triển ngành công nghiệp cơ khí, tăng tỷ lệ nội hoá, thời gian tới bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
“Bên cạnh đó, bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng”- ông Phạm Tuấn Anh nói.