Số lượt truy cập

1538945

/ Tin tức

Việt Nam: Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Theo Báo cáo "Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021", do Nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP, thực hiện, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), Việt Nam đang nổi lên là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính tại Việt Nam hiện nay, đó là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong đó, Hà Nội với lợi thế trung tâm chính trị, ngoại giao của cả nước, đã hội tụ nhiều công ty công nghệ lớn như FPT, VNG, VC Corp, ETC... Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, có môi trường khởi nghiệp thân thiện, hiện chiếm gần 50% số lượng các startups của cả nước. TP Hồ Chí Minh có lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn cao, tâm lý kinh doanh vững vàng, hội tụ nhiều công ty đa quốc gia, là thị trường tiêu thụ lớn. Chính quyền TP Hồ Chí Minh hỗ trợ mạnh mẽ khởi nghiệp, đặt mục tiêu hỗ trợ 1.000 công ty khởi nghiệp trong 5 năm tới. Còn Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Miền Trung. Tuy số lượng dân cư của Đà Nẵng thấp hơn Hà Nội và TP HCM, song Đà Nẵng lại là một thành phố mới nổi cho các công ty khởi nghiệp với lợi thế phát triển công nghệ cao. Điểm mạnh của Đà Nẵng là chi phí thấp, vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực kỹ thuật mạnh mẽ, các starups cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền.

Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn thu nhập từ khoản đầu tư; công nhận quyền tài sản đối với quyền sở hữu; thúc đẩy cá nhân và nhóm cá nhân khởi nghiệp sáng tạo; phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025... Đồng thời, khuyến khích các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp xây dựng hệ sinh thái đổi mới hoàn chỉnh trên quy mô lớn để cho phép chuyển giao, phát triển và thương mại hóa công nghệ; thí điểm môi trường pháp lý khuyến khích hoạt động đổi mới; kết nối các công ty khởi nghiệp với nhiều kênh tài trợ khác nhau; cung cấp hỗ trợ tài chính trong hệ sinh thái khởi nghiệp; nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên đại học và thanh niên bằng cách đào tạo sớm về giáo dục khởi nghiệp; đào tạo kiến thức chuyên sâu về khởi sự kinh doanh cho doanh nhân, thanh niên, sinh viên khởi nghiệp...

Việt Nam: Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ảnh minh họa

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đến nay đã có 3 thế hệ starups. Thế hệ đầu tiên (giai đoạn 2000-2006) gồm các nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp đã hoạt động khá thành công như VNG, Vatgia, NextTech, VCCorp, 24H, Yeah1… Thế hệ starups thứ nhất, trong quá trình khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, nhưng khi đạt ở mức quy mô, những người sáng lập này thường chọn mở rộng công ty hoạt động sang các lĩnh vực kinh doanh mới.

Thế hệ khởi nghiệp thứ hai (2007-2014), gồm các nhà sáng lập các công ty tên tuổi như Batdongsan, Tiki, Foody, Topica, Nhaccuatui... Họ bắt đầu trong một môi trường cạnh tranh hơn so với thế hệ đầu, thời gian chiếm lĩnh thị trường cũng lâu hơn thế hệ starups thứ nhất. Hoạt động kinh doanh của thế hệ starups thứ hai tại Việt Nam, xu hướng chủ yếu tập trung vào củng cố hoạt động kinh doanh lĩnh vự cốt lõi thông qua việc mở rộng theo chiều dọc xoay quanh hệ sinh thái sản phẩm chính ban đầu.

Thế hệ khởi nghiệp thứ ba (từ 2015 đến nay), gồm nhiều nhà sáng lập đã học tập hoặc làm việc tại các hệ sinh thái công nghệ tiên tiến trên thế giới, những người có kinh nghiệm xây dựng các công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh, các doanh nhân kỳ cựu đã khởi nghiệp nhiều lần và quay trở lại với những tham vọng lớn hơn. Bên cạnh đó, họ cũng tập trung vào việc xây dựng nền tảng công nghệ lõi vững chắc để tạo lợi thế cạnh tranh cho riêng mình.

Một số starups điển hình, nổi bật đã khởi nghiệp thành công và ghi dấu ấn trên thương trường, có thể kể đến, chẳng hạn: Công ty VNG, thành lập vào năm 2004 trong lĩnh vực phát triển game, sau 10 năm hoạt động, đến 2014 được World Startup Report định giá 1 tỷ USD và trở thành “kỳ lân công nghệ” đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek của Singapore định giá 2,2 tỷ USD. Công ty này cũng đã thực hiện đầu tư vào một số startups khác như trang thương mại điện tử Tiki, nền tảng cung cấp quà tặng Got It, công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa EcoTruck.

Hay Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), khởi nghiệp năm 2007, với mạng lưới thanh toán mã QR, đã đạt trạng thái “kỳ lân” sau khi gọi vốn tháng 11/2020 từ Softbank Vision Fund và Quỹ đầu tư GIC. Tháng 7/2021, công ty mẹ của VNPay (VNLife), cũng đã huy động được 250 triệu USD để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và các giải pháp tiên tiến cho thương mại, dịch vụ.

Một starup khác có thể kể đến là Tiki, khởi nghiệp vào tháng 3/2010, từ một trang bán sách tiếng Anh online, đến nay đã chuyển mình trở thành một trang thương mại điện tử đa ngành, cung cấp hàng trăm nghìn sản phẩm thuộc 10 ngành hàng khác nhau (sách, điện thoại, máy tính bảng, thiết bị số, phụ kiện số…). Tiki đã giữ vững vị trí TOP đầu về thương mại điện tử trong bảng xếp hạng thương hiệu tốt nhất tại Việt Nam 2020 do YouGov công bố. Tháng 8/2021 vừa qua, Taiwan Mobile đã đầu tư 20 triệu USD vào Tiki Global để đổi lấy 2,7% cổ phần. Tiki đang được định giá ở mức 740 triệu USD.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Nhà đồng sáng lập và đối tác của Do Ventures, đánh giá: Sau 20 năm hình thành, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự cộng hưởng của cả ba thế hệ. Thế hệ đầu tiên và thế hệ thứ hai, đã đạt được những cột mốc nhất định và trở thành các nhà đầu tư cho thế hệ thứ ba. Trong khi đó, thế hệ thứ ba đang trải qua nhiều áp lực và cạnh tranh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thế hệ startups thứ ba lại có lợi thế khi tận dụng được những kiến thức và kinh nghiệm do hai thế hệ trước tích lũy lại. Cùng với khả năng tiếp cận và học hỏi rộng mở từ môi trường quốc tế, thế hệ startups thứ ba đang có những bước tạo đà rất thuận lợi để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm startup công nghệ mới của khu vực và từng bước ghi lại dấu ấn trên toàn cầu.