Số lượt truy cập

2494465

/ Tin tức

Vùng Đông Nam Bộ: Cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường liên kết vùng để phát triển bền vững

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động nhất cả nước. Song những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư vào vùng có xu hướng chậm lại so với các vùng kinh tế khác.

Thực tế này đòi hỏi các địa phương cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để giữ vững vị trí đầu tàu và hướng đến phát triển bền vững.

Thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế chậm lại

Khoảng 5-10 năm trở về trước, các địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những năm gần đây, thu hút đầu tư lẫn tăng trưởng kinh tế của vùng có xu hướng chậm lại. Có nhiều yếu tố tác động đến kết quả này, trong đó có quỹ đất phát triển khu công nghiệp (KCN) và nguồn nhân lực không còn dồi dào như trước; sự phát triển các KCN mới ở miền Bắc, miền Trung, miền Tây. Nội tại vùng xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư như: ô nhiễm môi trường, ngập nước, giao thông quá tải, thiếu nhà ở cho người lao động…

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 15 tỷ USD. Trong tốp 5 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhất, vùng Đông Nam Bộ chỉ có duy nhất Bà Rịa - Vũng Tàu xếp ở vị trí thứ 2. Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 6, Đồng Nai thứ 7 và Bình Dương xếp thứ 9.

Phó trưởng ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam Phạm Ngọc Thạch cho rằng, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài phần nào phản ánh chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn địa phương có lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông tốt và dễ dàng kết nối đến cảng biển hay sân bay, nơi có nguồn nhân lực dồi dào và thủ tục hành chính thông thoáng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh trong một hội nghị về môi trường đầu tư chia sẻ, thời gian qua, tỉnh luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp trong hành trình xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Mặc dù vậy, tỉnh nhận thấy còn những vấn đề cần tiếp tục cải thiện, cải cách. Đó là tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là cơ quan đầu mối và cơ quan chủ trì trong điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi. Lắng nghe và tiếp thu các góp ý, ý tưởng mới, giải pháp sáng tạo của chuyên gia, doanh nghiệp để cải thiện 2 chỉ số: PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PGI (chỉ số Xanh cấp tỉnh).

Về phía tỉnh Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Trọng Toàn cho biết, đến nay tỉnh quy hoạch 48 KCN, trong đó 33 KCN đã thành lập, thu hút hơn 2,1 ngàn dự án từ 44 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những năm qua, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tỉnh chú trọng như: đầu tư các khu xử lý nước thải và lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động tại các KCN; không ngừng cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiện lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân; có chính sách ưu tiên cho các dự án có giá trị khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường… Mặc dù vậy, tỉnh còn phải nỗ lực nhiều trong phát triển hạ tầng giao thông, nhà ở cho người dân, kiểm soát môi trường ở các KCN.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS-TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, mặc dù đã có nghị quyết, quy hoạch vùng song một số chính sách chưa được hướng dẫn thực hiện, trong đó có kinh tế xanh. Nhiều chính sách chưa được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và các địa phương. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần có kế hoạch, chiến lược, giải pháp để thực thi.

Phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái

Thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều hành động cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh đang thực hiện Đề án Chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường; thực hiện thí điểm chuyển đổi KCN Amata sang KCN sinh thái; hợp tác với thành phố Kobe (Nhật Bản) triển khai nghiên cứu mô hình KCN xanh - thông minh tại KCN Long Đức.

Mới đây, tỉnh ban hành Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án này được kỳ vọng tạo ra các cơ hội mới cho tỉnh trong phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế số.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, các giải pháp cụ thể tỉnh thực hiện là phát triển KCN theo mô hình xanh và khép kín: công nghiệp - đô thị - dịch vụ, từng bước phát triển đô thị hóa, tăng dịch vụ phục vụ cho người lao động. Với các KCN mới thành lập, tập trung kêu gọi đầu tư theo hướng chuyên ngành để tạo ra chuỗi các dự án có khả năng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và KCN Thành phố Hồ Chí Minh Trần Việt Hà cho hay, năm 2023, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng 6 tháng đầu năm 2024 xếp ở vị trí thứ 6. Điều này cho thấy nguồn vốn đầu tư vào thành phố có sự thay đổi đáng kể.

Cũng theo ông Hà, thành phố đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong các KCN, khu chế xuất nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thu hút các dự án công nghệ sạch, lao động chất lượng cao; tạo cơ hội cho doanh nghiệp giữ vững thị trường xuất khẩu và hội nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; tối ưu nguyên vật liệu, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Một số khó khăn thành phố gặp phải là cơ chế chính sách liên quan đến KCN xanh, KCN sinh thái chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải chưa thống nhất giữa các bộ, ngành. Đồng thời, chưa có quy định cụ thể về danh mục các chất thải rắn công nghiệp có thể tái chế để thực hiện cộng sinh công nghiệp.

Vì thế, trong định hướng chuyển đổi các khu chế xuất, KCN từ nay đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh rất cần cơ chế chính sách hoàn chỉnh; sự quan tâm, đóng góp ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp; sự hỗ trợ tài chính từ các đối tác, tổ chức trong và ngoài nước.