Số lượt truy cập

1536923

/ Tin tức

Xanh hóa dệt may – xu hướng thời trang bền vững

Cùng với chủ động nguyên liệu nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam muốn bắt kịp xu hướng sản xuất xanh trên thế giới thì buộc phải tuân theo tiêu chuẩn: xanh từ nguyên liệu, đến nhà máy và nhiên liệu để sản xuất. Các chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu dài hạn đến năm 2025 và năm 2030, do đó trong bối cảnh các nền sản xuất trên thế giới đều chuyển mình, thì các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã bắt đầu chuyển dần sang các nguyên liệu tái chế hướng tới phát triển dệt may bền vững.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam đã sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu từ việc tái chế để sản xuất nguyên liệu phục vụ cho ngành may mặc. Các nguyên liệu thành phẩm với nhiều ưu điểm trong đó quan trọng là không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, các nguyên liệu tái chế đang được ưu tiên lựa chọn trong sản xuất các sản phẩm may mặc.

Ông LÃ ANH CHIẾN, Giám đốc chi nhánh nhà máy Bông TNG:

"Số khách hàng đặt hàng các sản phẩm từ vật liệu tái chế càng tăng lên. Thị trường châu Âu có những khách họ yêu cầu 70% là các nguyên liệu tái chế."

Ông THÂN ĐỨC VIỆT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10:

"Chúng tôi sản xuất những sơ mi dệt kim và sợi cũng được đa dạng hoá trước khi sợi coton thì nay từ sợi tre, sợi tổng hợp hoặc sợi tái tạo."

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS giảm được 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Ông LÊ TIẾN TRƯỜNG, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam:

"Hiện nay các hãng thời trang lớn trên thế giới đều có cam kết mục tiêu thiên niên kỷ đến 2025-2030 những nguyên liệu từ xơ sợi hoá học phải có xu thế recycle, đạt ngưỡng 50-100%. Ngoài sử dụng hệ thống năng lượng quốc gia ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời, và thứ ba là nhà máy xanh có các tiêu chuẩn tốt cho người lao động."

Sẽ có những thách thức không tránh khỏi trong việc chuyển hướng sản xuất xanh, đó là vấn đề kỹ thuật vận hành. Vì vậy các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần dành một phần doanh thu để đào tạo nhân lực có kỹ thuật cao để có thể đảm nhận những bộ phận chủ chốt trong sản xuất xanh, tránh việc đứt gãy chuyền sản xuất hay lỡ đơn hàng vì không đủ tiêu chuẩn xanh toàn cầu.

Nguồn: http://vsi.gov.vn/vn/chi-tiet-tin-tuc/xanh-hoa-det-may--xu-huong-thoi-trang-ben-vung-c1e0id1109.html