Số lượt truy cập

9220598

/ Tin tức

Áp thuế linh hoạt tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển (HT)

Từ ngày 1/1/2026, chính thức thực hiện việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh. Việc bãi bỏ thuế khoán là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chủ trương trên, ngành Thuế đang nghiên cứu áp thuế linh hoạt các loại thuế với hộ kinh doanh nhỏ để thuận lợi cho cơ quan thuế, hộ kinh doanh và không thất thu ngân sách nhà nước.


Áp thuế linh hoạt tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển
Ngành Thuế đang nghiên cứu áp thuế linh hoạt các loại thuế với hộ kinh doanh nhỏ để tránh thất thu ngân sách nhà nước. Ảnh tư liệu

Dự kiến phân hộ, cá nhân kinh doanh làm 4 nhóm

Thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ về chủ trương xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026, ngành Thuế dự kiến sẽ phân loại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo doanh thu để áp dụng phương pháp quản lý.

Hiện nay, các hộ kinh doanh đang nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết số

198/2025/QH15 của Quốc hội đã quy định chấm dứt thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 1/1/2026. Như vậy, khi không áp dụng phương pháp khoán thuế thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Tạo sự bình đẳng về chế độ thuế
Việc bãi bỏ thuế khoán là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là bước đi căn cơ và cần thiết để minh bạch hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và mở rộng khu vực kinh tế chính thức.

Tại hồ sơ lấy ý kiến Luật Quản lý thuế (thay thế) đang dự kiến sẽ phân hộ, cá nhân kinh doanh làm 4 nhóm để quản lý. Trong đó: Nhóm 1 dự kiến sẽ gồm các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế, tức dưới 200 triệu đồng/năm, áp dụng từ 2026. Nhóm 2 là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm. Nhóm 1 và nhóm 2 được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử sau khi bỏ thuế khoán. Trong đó, nhóm 2 dự kiến sẽ có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ năm 2027 - 2028. Ngoài ra, hai nhóm này dự kiến được đề xuất sẽ chỉ phải sử dụng sổ kế toán rất đơn giản để ghi chép thu chi theo mẫu (phần mềm) của Bộ Tài chính.

Nhóm 3 là các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu 1 - 3 tỷ đồng/năm và lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu 1 - 10 tỷ đồng/năm. Còn lại là nhóm 4, có doanh thu trên 10 tỷ đồng.

Với việc phân chia nhóm như trên, thì nhóm 3 và nhóm 4 thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Trong đó, nhóm 3 dự kiến sẽ thực hiện chế độ kế toán đơn giản. Còn nhóm 4 dự kiến sẽ thực hiện các chế độ kế toán như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được quy định.

Ngoài ra, cơ quan thuế dự kiến đề xuất tăng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lên ít nhất gấp đôi mức 200 triệu đồng/năm. Đồng thời sửa đổi tỷ lệ % thuế thu nhập cá nhân cho hộ, cá nhân kinh doanh phân biệt theo quy mô doanh thu; kiến nghị sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan nhằm hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh phát triển.

Không tạo gánh nặng nhưng vẫn chống thất thu

Theo Phó Cục trưởng Mai Sơn, các nội dung nêu trên mới chỉ là dự kiến. Quá trình thực hiện từ nay đến năm 2026, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của người nộp thuế, các hiệp hội tư vấn thuế, ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Cục Thuế sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Cục Giám sát quản lý chính sách thuế, phí lệ phí, Cục Giám sát kế toán và kiểm toán, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể…) để báo cáo Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền quy định mức tỷ lệ/thuế suất cũng như phương pháp khai thuế phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh; phù hợp với lộ trình chuyển đổi số nhằm minh bạch công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh bằng cách kết hợp chính sách, công nghệ.

Các nội dung này sẽ được thể hiện ở Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Mục tiêu là thu đúng, thu đủ, không tạo gánh nặng nhưng vẫn chống thất thu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, Cục Thuế và Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện khái niệm “hộ kinh doanh” trong bối cảnh mới, chuyển thành “cá nhân kinh doanh” để phù hợp với thông lệ quốc tế nội dung này sẽ được sửa đổi, bổ sung tại Luật Doanh nghiệp.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày (19/6) vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định, xóa bỏ thuế khoán là chủ trương đúng đắn đã được thể hiện trong Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền quy định doanh thu tính thuế phù hợp, tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ kinh doanh nhỏ để đảm bảo dân sinh. Bản chất của thuế với hộ kinh doanh có 3 loại thuế gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, do đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần áp thuế linh hoạt các loại thuế này với hộ kinh doanh nhỏ để thuận lợi cho cơ quan thuế, hộ kinh doanh và không thất thu nguồn thu Nhà nước.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, với các hộ có doanh thu trên 1 tỷ đồng, có địa điểm kinh doanh ổn định thì nên chuyển sang áp dụng hóa đơn, vừa minh bạch, chống thất thu, vừa tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp. Còn đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 1 tỷ đồng nên áp dụng phương pháp khoán, vì nếu yêu cầu xuất hóa đơn, hộ kinh doanh này sẽ thiệt thòi do không có hóa đơn đầu vào để khấu trừ thuế.