Số lượt truy cập

2079907

/ Tin tức

Báo cáo tóm tắt Sơ kết 06 tháng đầu năm 2024 về Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT)

Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) báo cáo tình hình chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2024

BÁO CÁO TÓM TẮT

Sơ kết 06 tháng đầu năm 2024 về Chuyển đổi số quốc gia

Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) báo cáo tình hình chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2024 như sau:

I. KẾT QUẢ NỔI BẬT 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

  1. Dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).
  2. Kinh tế số 06 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%.
  3. Doanh thu lĩnh vực CNTT (kinh tế số ICT) tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
  4. Tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023.
  5. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ.
  6. Quản trị số: Lần đầu tiên sau hơn 20 năm (1) Việc giám sát, đo lường DVC trực tuyến được thực hiện tự động, online; (2) Hệ thống giải quyết TTHC được thực hiện đánh giá chất lượng online.
  7. Lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam.
  8. Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm 2023.

II. KẾT QUẢ 06 THÁNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2024

  1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia năm 2024
  2. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số: 50.350 doanh nghiệp/mục tiêu 48.000 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 104,9%).
  3. Triển khai dịch vụ công thiết yếu: 43/53[1] dịch vụ (đạt tỷ lệ 81,1%).
  4. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ: 19/21 bộ, cơ quan ngang bộ[2] (tăng 09 bộ so với cuối năm 2023) và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 26 tỉnh, thành phố so với cuối năm 2023) có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối toàn diện với Hệ thống EMC, đạt tỷ lệ 97,6%.
  5. Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: 15/22 bộ, cơ quan ngang bộ[3]63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, đạt tỷ lệ 91,8%.
  6. Các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động: 256/tổng số 896 thôn, bản lõm sóng, có điện; đạt tỷ lệ 28,6%.
  7. Sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ: 100% các bộ, ngành đã sử dụng.
  8. Tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc triển khai giải pháp hóa đơn điện tử phát hành hóa đơn ngay từ máy tính tiền: đạt tỷ lệ 92,2% (tương đương 14.727/15.981 cửa hàng).
  9. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cụ thể
  10. Tổng số nhiệm vụ đã hoàn thành: 19/79 nhiệm vụ (đạt 24,1%).
  11. Các nhiệm vụ có thời hạn đến tháng 6/2024: 28 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành: 16/28 nhiệm vụ (57%); chưa hoàn thành, đang thực hiện: 12/28 nhiệm vụ (43%). Trong đó, 03 nhiệm vụ hoàn thành trước thời hạn. Trong đó, 01 nhiệm vụ của Ngân hàng Nước Việt Nam, 01 nhiệm vụ của Bộ Công an, 01 nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tồn tại: Tỷ lệ nhiệm vụ hoàn thành theo kế hoạch năm và kế hoạch 06 tháng thấp; một số nhiệm vụ quan trọng như xây dựng kế hoạch hoạt động của các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương làm cơ sở chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyển đổi số chậm được triển khai. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai.

  1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ
  2. Tổng số nhiệm vụ đã hoàn thành: 12/34 nhiệm vụ (đạt 35,3%).
  3. Nhiệm vụ có thời hạn đến tháng 6/2024: 20 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành: 11/20 nhiệm vụ (55%); chưa hoàn thành, đang thực hiện: 09/20 (45%).

Tồn tại: Tỷ lệ nhiệm vụ hoàn thành thấp; một số nhiệm vụ quan trọng chậm hoàn thành.

  1. KẾT QUẢ CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẠT ĐƯỢC 06 THÁNG ĐẦU NĂM 1. Về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số
  2. Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi).
  3. Chính phủ thông qua và đề xuất xây dựng 02 Luật: Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Dữ liệu.
  4. Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định.
  5. Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 văn bản (06 Quyết định và 02 Chỉ thị).
  6. Các bộ, ngành đã ban hành gần 20 văn bản hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiện toàn tổ chức bộ máy, giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, trợ lý ảo, an toàn an ninh mạng,...
  7. 63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương (tăng 02 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
  8. Về lãnh đạo, điều hành triển khai chuyển đổi số

Các hoạt động trọng tâm trong 6 tháng đầu năm 2024:

  • Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các Ban chỉ đạo về chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh hoạt động, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành chuyển đổi số: trong 06 tháng đầu năm 2024, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức 01 Phiên họp toàn thể (Phiên họp lần thứ 8) và 05 Hội nghị chuyên đề: (1) Hội nghị chuyên đề Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp; (2) Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số cấp bộ, ngành tại Tòa án nhân dân tối cao; (3) Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; (4) Hội nghị “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng; (5) Hội nghị chuyên đề về kinh tế số - thúc đẩy chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ.
  • Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương được quan tâm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 12/22 bộ, cơ quan ngang bộ[4]50/63 tỉnh, thành phố[5] đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương.
  • Hiện nay mới chỉ có 19 bộ, ngành, địa phương có kế hoạch thực hiện kiểm tra giám sát chuyển đổi số trong năm.
  • Về phát triển dữ liệu số

Các cơ quan nhà nước tiếp tục tạo lập, khai thác sử dụng, vận hành các Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong quản lý, điều hành kinh tế xã hội. Trong đó, đã đạt được một số kết quả nổi bật:

  • Các CSDL quốc gia thường xuyên được phát triển, tạo lập, chia sẻ, khai thác dữ liệu tốt, hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Điển hình như:
  • Dữ liệu về dân cư: Dựa trên CSDL quốc gia về dân cư đã: (1) Xác thực được hơn 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý; (2) Làm sạch 13.366 dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán; đang phối hợp, làm sạch trên 7 triệu thông tin các nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam; (3) Làm sạch dữ liệu trên 106 nghìn hồ sơ sinh viên tốt nghiệp năm 2023 và thực hiện đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của 23 nghìn sinh viên tốt nghiệp năm 2023; (4) Làm sạch 34,9 triệu dữ liệu giấy phép lái xe (đạt tỷ lệ 96,4%) cho Bộ Giao thông vận tải; (5) Làm sạch 861.835 hồ sơ CBCC (đạt tỷ lệ 88,86%) cho Bộ Nội vụ; và (6) Xác thực, làm sạch hơn 110,2 triệu dữ liệu thông tin thuê bao di động do các doanh nghiệp Viễn thông;...
  • Dữ liệu về đất đai: (1) Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; (2) Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đã được rút ngắn đáng kể từ 15% - 45% so với trước đây.
  • Dữ liệu về bảo hiểm: (1) Đã xác thực hơn 96,8 triệu thông tin nhân khẩu (tăng 3,1 triệu so với năm 2023, tương đương khoảng 3,3%) trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý, trong đó có gần 87 triệu người (tăng 2,3 triệu so với năm 2023, tương đương khoảng 2,7%) đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN; (2) Dữ liệu bảo hiểm xã hội đã và đang được kết nối, chia sẻ dữ liệu với 9 bộ và 63 địa phương.

+ Dữ liệu về cán bộ, công chức và viên chức: CSDL quốc gia về cán bộ công chức, viên chức đã tạo lập được khoảng 2,5 triệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, 36 bộ, ngành, cơ quan Trung ương (tăng 03 cơ quan so với năm 2023) và 63/63 địa phương hoàn thành việc hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (đạt tỷ lệ 100%) với tổng số dữ liệu đồng bộ là 2.380.552 (trong đó, của cơ quan trung ương là 261.900 dữ liệu; địa phương là 2.118.652 dữ liệu), tăng gần 100.000 dữ liệu được đồng bộ so với năm 2023.

  • Dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy. Đến nay đã có 17 bộ, ngành (tăng 03 bộ so với năm 2023) và 54/63 địa phương[6] (tăng 03 tỉnh so với năm 2023) đã ban hành hành danh mục CSDL dùng chung theo quy định; đã có 15 bộ, ngành[7] (tăng 03 bộ so với năm 2023) và 43/63 địa phương[8] (không đổi so với năm 2023) đã ban hành hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở. Số CSDL được xác lập trên toàn quốc tiếp tục tăng 394 CSDL lên 2.699 CSDL, tương đương 17,3% so với năm 2023.

Tồn tại: Số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục CSDL và danh mục dữ liệu mở còn nhiều (15 bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục CSDL và 30 bộ, ngành địa phương chưa có kế hoạch cung cấp dữ liệu mở).

  1. Về phát triển hạ tầng số

Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số quốc gia, trong đó, một số kết quả nổi bật:

  • Toàn quốc có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng so với cuối năm 2023, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023 là 79,6%).
  • Toàn quốc có thêm trên 3,8 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, nâng tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 84% (tăng 3,2% so với cuối năm 2023 là 80,8%).
  • Việt Nam có thêm 01 Trung tâm dữ liệu hiện đại, lớn nhất cả nước của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với công suất 30MW.
  • Tỷ lệ chuyển đổi sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60% (tăng 01% so với cuối năm 2023), đứng thứ 8 toàn cầu (tăng 01 bậc so với năm 2023).
  • Triển khai cung cấp dịch vụ 5G: Đã cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho Tập đoàn Viettel và VNPT. Ngày 09/7/2024 Mobifone đã trúng đấu giá khối băng tần 5G thứ 3. Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp VT triển khai cung cấp dịch vụ 5G trong Quý 3/2024.
  • Về phát triển chính phủ số
  • Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp
  • Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 48%.
  • Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) đối với các DVC trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành đạt 61%; cấp tỉnh, thành phố đạt 17%. Trung bình toàn quốc đạt 42%.
  • 17/20 bộ, ngành[9] (tăng 10 bộ, ngành so với cuối năm 2023) đã công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Tồn tại: Vẫn còn 03 bộ chưa công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

  1. Chất lượng cung cấp DVC trực tuyến

- Bộ TT&TT đánh giá Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với 02 nội dung: (1) đánh giá trực tuyến, không có sự can thiệp của con người; (2) đánh giá Cổng DVC trực tuyến và HTTT một cửa điện tử. Kết quả đánh giá đối với 21/21[10] bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bộc lộ nhiều hạn chế, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, nâng cấp, phát triển để cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả. Cụ thể:

+ Bộ, ngành: 05/21 đạt mức C; 01/21 đạt mức D; 15/21 đạt mức E.

+ Địa phương: 39/63 đạt mức C; 15/63 đạt mức D; 9/63 đạt mức E.

Tồn tại: Không có bộ, ngành, địa phương nào đạt mức A và B, điều này phản ánh chất lượng các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính có nhiều hạn chế, cần phải đặc biệt quan tâm.

  1. Cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia:
  2. Tài khoản đăng ký sử dụng: đến nay có hơn 16,4 triệu tài khoản, tăng 4,8 triệu tài khoản so với năm 2023 (11,6 triệu tài khoản).
  3. Hồ sơ thực hiện qua Cổng: trong 06 tháng đầu năm hơn 13,9 triệu hồ sơ; hơn 7,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4.620 tỷ đồng (tương đương 34,9% giao dịch, 48,6% giá trị thanh toán trực tuyến của cả năm 2023).
  4. Số dịch vụ cung cấp: 4.510 dịch vụ (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính), trong đó, đã tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 và 18/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022.
  5. Tình hình phát triển
  6. Đo lường tỷ trọng kinh tế số

Hiện nay có 7 quốc gia trên thế giới có đo lường và công bố, trong đó 6 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, New Zealand, Thái Lan, Canada, Malaysia và Trung Quốc đo lường theo hướng dẫn của Liên hợp quốc (UN). Trong hướng dẫn này kinh tế số bao gồm kinh tế số ICT và thương mại điện tử. Theo phương pháp này thì kinh tế số cơ bản tăng trưởng thấp và không đầy đủ, không toàn diện. Trung Quốc có đo lường theo phương pháp này nhưng không sử dụng trong các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số. Trung Quốc và Singapore có sử dụng một phương pháp hiện đại để đo lường kinh tế số. Kinh tế số trong phương pháp này bao gồm: kinh tế số ICT và kinh tế số ngành (TMĐT và các ngành khác). Trung Quốc giao cho Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) thuộc Bộ Công nghiệp và CNTT đo lường và công bố, Singapore giao cho Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore đo lường và Cơ quan Phát triển Truyền thông thông tin Singapore công bố.

Căn cứ vào thực trạng phát triển và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất:

  • Chính phủ giao Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nghiên cứu, công bố số liệu chính thức đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn thống kê quốc tế.
  • Chính phủ cho phép Bộ Thông tin và Truyền thông giao Học viện Công nghệ Bưu chính, Viễn thông đo lường tỷ trọng kinh tế số toàn diện như Trung Quốc và Singapore để điều hành thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Theo số liệu nghiên cứu của Học viện Công nghệ Bưu chính, Viễn thông:

  • Tăng trưởng kinh tế số 6 tháng đầu năm khoảng 22,4%. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt: 18,3%.
  • Kinh tế số ICT 6 tháng đầu năm 2024 chiếm khoảng 60% tổng kinh tế số, ước tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
  • Kinh tế số ngành, lĩnh vực 6 tháng đầu năm 2024 chiếm khoảng 40% tổng kinh tế số, ước tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023.
  • Kinh tế số ICT

Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, ước tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

  1. Kinh tế số ngành, lĩnh vực
  2. Thương mại điện tử (TMĐT): 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh: ước đạt 49% so với cùng kỳ năm 2023.

+ Tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 97 nghìn tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023.

Tồn tại: Hiện nay tỷ trọng TMĐT/tổng bán lẻ ở Việt Nam mới đạt khoảng 8% trong khi trung bình thế giới là 19,4%. Một số quốc gia như Trung Quốc 43%, Anh 35%, Hàn Quốc 28%, Mỹ 26%.

  1. Triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money: Tổng số khách hàng lũy kế đạt hơn 8,8 triệu khách hàng, trong đó 6,3 triệu khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ “không để ai ở lại phía sau” trong quá trình chuyển đổi số.
  2. Tình hình phát triển xã hội số
  3. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08% (tăng 9,67% so với cuối năm 2023), vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025.
  4. Về cấp chữ ký số cho người dân: đến thời điểm hiện nay đã cấp được 10.126.828 chữ ký số, tăng 1.541.677 chữ ký số so với cuối năm 2023.
  5. Bộ Công an cấp trên 86,3 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và đã thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 5,5 triệu tài khoản so với tháng 12/2023, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao).
  6. Về

- Bộ TT&TT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23/2/2024 về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 07/4/2024 về việc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Số lượng HTTT đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ (HSĐXCĐ) là 5.515/7.206 HTTT, tương đương 76,5%, tăng 11,5% so với năm 2023.

Số lượng HTTT đã được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn HTTT theo HSĐXCĐ được duyệt là 4.068/7.206 HTTT, tương đương 56,5%, tăng khoảng 26,5% so với năm 2023.

Với tình hình triển khai như trên, các cơ quan cần phải rất nỗ lực, sát sao thực hiện thì mới có thể hoàn thành thời hạn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về việc phê duyệt cấp độ (hạn tháng 9/2024), đặc biệt là triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT (hạn tháng 12/2024).

- Đặc biệt, trước tình trạng tấn công mã độc mã hóa tống tiền (ransomware), gây thiệt hại và làm gián đoạn dịch vụ trực tuyến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (VNDirect; PVoil; Itel; Wintel; VNPost;...), Bộ trưởng Bộ TT&TT đã có văn bản gửi các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (2516/BTTTT-CATTT, 2517/BTTTT-CATTT) để hướng dẫn 6 giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin và phục hồi nhanh hoạt động sau sự cố, trọng tâm là:

+ Định kỳ thực hiện sao lưu dữ liệu, trong đó có hình thức sao lưu ngoại tuyến.

+ Triển khai giải pháp để sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động của hệ thống thông tin khi gặp sự cố, đưa hoạt động của hệ thống thông tin trở lại bình thường trong vòng 24 tiếng hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ.

III. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ CHÍNH

  1. Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình thấp, mới chỉ đạt 48%.
  2. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các địa phương rất thấp, chỉ đạt 17%.
  3. Trung tâm điều hành thông minh chưa có kịch bản điều hành dựa trên dữ liệu. Điều này dẫn tới chưa phát huy hiệu quả, chưa thúc đẩy phát triển dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
  4. Tỷ lệ thôn bản lõm sóng chưa được phủ sóng băng rộng di động còn cao.
  5. Khó khăn trong việc thu hút, giữ chân nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 06 THÁNG CUỐI NĂM

  1. Các bộ, ngành, địa phương:
  2. Ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.
  3. Hoàn thành việc phê duyệt HSĐXCĐ (tháng 9/2024) và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT (tháng 12/2024) cho 100% HTTT thuộc phạm vi quản lý.
  4. Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo năm 2024, chưa có kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số khẩn trương hoàn thành trước 20/7 để chỉ đạo, điều hành triển khai chuyển đổi số hiệu quả.
  5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện và ban hành phương pháp, tiêu chí đo lường chỉ tiêu thống kê về tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP và trong các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam; đẩy mạnh số hóa các hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
  6. Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch, lộ trình sử dụng biên lai phí, lệ phí điện tử đối với tất cả các ngành, lĩnh vực. Thời hạn hoàn thành tháng 7.
  7. Các bộ, ngành khác thực hiện số hóa các ngành kinh tế theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
  8. Bộ TT&TT:
  9. Trình ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế số - xã hội số giai đoạn 2024­2025. Thời hạn hoàn thành tháng 8.
  10. Trình ban hành Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên. Thời hạn hoàn thành tháng 9.
  11. Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích. Thời hạn hoàn thành tháng 8.
  12. Triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G và đẩy mạnh các giải pháp xóa vùng lõm sóng di động trên phạm vi toàn quốc.
  13. Phối hợp Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động năm 2024 - 2025 về chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến, dựa trên dữ liệu. Thời hạn hoàn thành tháng 8.
  14. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc xây dựng Đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Thời hạn hoàn thành tháng 7.
  15. Tổ chức hội nghị chuyên đề về triển khai dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại một địa phương. Thời hạn hoàn thành tháng 7.
  16. Tổ chức hội nghị chuyên đề về triển khai trung tâm điều hành thông minh trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại một địa phương. Thời hạn hoàn thành tháng 8.
  17. Tổ chức hội nghị chuyên đề về triển khai xây dựng CSDL cấp bộ, địa phương trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại một bộ, một địa phương. Thời hạn hoàn thành tháng 9.
  18. Phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội nghị triển khai chuyển đổi số thương mại điện tử trong bán buôn, bán lẻ trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại một địa phương. Thời hạn hoàn thành tháng 9.
  19. Hoàn thiện thể chế về AI theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
  20. Bộ Y tế xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030.
  21. Bộ Nội vụ hoàn thành hướng dẫn Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, nhất là việc lưu trữ điện tử, hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

[1] 10 dịch vụ còn lại của các cơ quan: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an và Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam.

[2] Bộ Tài chính chưa hoàn thành kết nối, Ủy ban dân tộc chưa kết nối.

[3] Các bộ, cơ quan ngang bộ chưa tích hợp, kết nối gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ LĐTBXH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban dân tộc.

[4] Các bộ, ngành chưa ban hành gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam Đài Truyền hình Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Ủy ban quản lý vốn nhà nước

[5] Các địa phương chưa ban hành: Bình Định; Bình Dương; Bình Thuận; Nam Định; Ninh Thuận; Phú Thọ; Phú Yên; Tây Ninh; Thái Nguyên; TP. Hải Phòng; Trà Vinh; Vĩnh Phúc

[6] Các cơ quan, địa phương chưa ban hành gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ TNMT, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội; Bến Tre, Kiên Giang, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ninh, Trà Vinh.

[7] Các bộ chưa ban hành: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Chính phủ.

[8] Các địa phương chưa ban hành: Bà Rịa-Vũng Tàu; Bến Tre; Hà Tĩnh; Hải Dương; Khánh Hòa; Kiên Giang; Kon Tum; Nam Định; Ninh Thuận; Phú Yên; Quảng Bình; Quảng Ninh; Quảng Trị; Thái Nguyên; Thừa Thiên - Huế; TP. Cần Thơ; TP. Hải Phòng; Trà Vinh; Vĩnh Phúc

[9] Còn 03 cơ quan chưa công bố gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng (Ủy ban dân tộc, Thanh tra Chính phủ không cung cấp dịch vụ công).

[10] VPCP không có hệ thống thông tin giải quyết TTHC.