Số lượt truy cập

1477850

/ Tin tức

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được chủ động thực hiện kịp thời

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được thảo luận và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đang diễn ra.

Được biết, để dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được nhanh chóng tổ chức thi hành sau khi được Quốc hội thông qua, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công Thương đang chuẩn bị kế hoạch triển khai thi hành Luật, xây dựng dự thảo Nghị định và các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết thực thi Luật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện tại đi vào thực thi từ ngày 1/7/2011. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật này bên cạnh những điểm tích cực đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi với thực tiễn đặc biệt là phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013 cũng như quy định những vấn đề mới, đặc thù, chưa được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành để bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng.

Đặc biệt là cần phù hợp với những định hướng nêu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

Có thể nói, điểm nổi bật của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được thảo luận tại kỳ họp thứ V của Quốc hội đã có nhiều nội dung tối đa hoá quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh phát triển mới cũng như phù hợp với xu hướng tiêu dùng bền vững của nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Theo đó các điều luật được Bộ Công Thương trong vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xây dựng theo hướng xác định rõ việc quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được chủ động thực hiện từ sớm, kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.

Cùng đó để bảo đảm phù hợp với tình hình mới, dự thảo đã bổ sung, hoàn thiện một số quyền của người tiêu dùng, trong đó: bổ sung quyền của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ công; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn,… hoặc không phù hợp với nội dung thông tin đã cung cấp cho người tiêu dùng; quyền được trả lại sản phẩm, hàng hóa và được hoàn lại tiền trong một số trường hợp của giao dịch đặc thù. Đây cũng là những nội dung nổi cộm trong thời gian qua thể hiện rõ những bất cập của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 trước sự phát triển và đan xen mạnh mẽ của thương mại và công nghệ hiện đại những năm qua.

Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) khi được thông qua sẽ là công cụ pháp lý đủ mạnh để bảo vệ hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo dựng thị trường trong nước phát triển lành mạnh và bền vững.