Số lượt truy cập

1570066

/ Tin tức

Câu chuyện về số phận của trái chôm chôm

Câu chuyện về số phận của trái chôm chôm

Theo thông tin từ Bộ Công thương, trái chôm chôm của Việt Nam hiện đã xuất khẩu qua hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; mỗi năm thu về khoảng 30 triệu USD.

Đồng Nai hiện là tỉnh có diện tích cây chôm chôm lớn nhất cả nước với hơn 9 ngàn hécta và đa số đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Theo Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2023, Đồng Nai thu hoạch hơn 152,1 ngàn tấn trái chôm chôm. Đây là loại trái cây có sản lượng lớn thứ 2 của tỉnh (chỉ sau trái chuối).

Trái chôm chôm của Đồng Nai nổi tiếng cả nước bởi mùi vị thơm ngon. Do đó, mỗi khi nhắc đến đặc sản trái cây của Đồng Nai, nhiều người nhớ ngay đến chôm chôm. Thế nhưng, nhiều năm nay, trái chôm chôm luôn lận đận trong tìm đầu ra, vì chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước, xuất khẩu được rất ít, dù thị trường xuất khẩu cho loại trái cây này đang được mở rộng. Nguyên nhân dẫn đến đầu ra của trái chôm chôm bấp bênh là do sản lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn ít nên chưa rộng đường xuất khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng của người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới là ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua nông sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo sức khỏe và môi trường. Vì thế, trái chôm chôm muốn giữ được thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu bắt buộc sản xuất theo chuỗi khép kín và mô hình nông nghiệp xanh. Ngoài ra, xây dựng chuỗi liên kết giữa “5 nhà” là: nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp và Nhà nước để sản phẩm làm ra ngoài xuất khẩu tươi, còn có thể chế biến sâu thành những sản phẩm mới đặc sắc, nâng cao giá trị gia tăng cho trái chôm chôm.

Tại Đồng Nai, từ gần 10 năm trước, nhiều nhà vườn trồng chôm chôm đã nô nức với thông tin Việt Nam mở được thị trường xuất khẩu trái chôm chôm vào Mỹ. Đây là thị trường lớn, nếu đảm bảo các tiêu chí để xuất khẩu thì đầu ra sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều năm qua, trái chôm chôm của Đồng Nai vẫn cứ long đong về đầu ra vì đa số vẫn chưa xuất khẩu được và chế biến sâu cũng chưa làm được. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là đến khi nào vùng đặc sản chôm chôm lớn nhất Việt Nam có được đầu ra ổn định thông qua xuất khẩu và chế biến sâu?./.