Số lượt truy cập

1563808

/ Tin tức

Chuyển đổi số: Cần ưu tiên cao và triển khai thực chất

Chuyển đổi số: Cần ưu tiên cao và triển khai thực chất

 Chuyển đổi số: Cần ưu tiên cao và triển khai thực chất        


 Đồng Nai là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy tiến  trình chuyển đổi số (CĐS). Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động CĐS phát triển chưa xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế đó. 

Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Quang Trung,  Trưởng nhóm nghiên cứu về Quản trị chuyển đổi thông minh (Đại học RMIT), thành viên Hội đồng Tư vấn CĐS của Đồng Nai để có những góc nhìn đa  chiều về tiến trình CĐS ở Đồng Nai.  


 * Ông đánh giá như thế nào về hoạt động CĐS của Đồng Nai trong thời gian qua?

 - Trên thực tế, theo chỉ số CĐS (DTI) do Bộ TT-TT đánh giá các năm  2020 và 2021, Đồng Nai xếp ở vị trí 20 và 19. Đến năm 2022, chỉ số này  của tỉnh rơi xuống vị trí 43. Trong khi đó, Đồng Nai có chỉ số Thương  mại điện tử (EBI) khá tốt, điều này cũng thể hiện điểm sáng về thương  mại điện tử và kinh tế số. Chỉ số này tăng đều từ năm 2017 (hạng 9) và  trong 2 năm gần nhất xếp hạng 5 và 6.

 Trong chiến lược CĐS, chúng ta thường nói đến 3 trụ cột chính gồm:  chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đồng Nai tuy có cố gắng nhưng  hiện chỉ có kinh tế số là điểm sáng lớn nhất trong 3 trụ cột nói trên.  Còn các chỉ số về chính quyền số, xã hội số có sự tụt hạng khá lớn so  với những năm trước. Điều này đòi hỏi lãnh đạo địa phương cần quan tâm  và có nhiều giải pháp hơn nữa để thay đổi, cải thiện quá trình CĐS ở địa phương, nhất là khi các tỉnh, thành lân cận đang có sự bứt phá mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều chỉ số thành phần về CĐS.  


 * Theo ông, Đồng Nai có những tiềm năng nào trong thực hiện CĐS nói chung và mức độ trưởng thành số của tỉnh nói riêng? 

- Xác định được mức độ trưởng thành số (hay còn được hiểu là mức độ  sẵn sàng CĐS) là rất quan trọng trong quá trình CĐS. Mức độ trưởng thành cao giúp quá trình CĐS nhanh hơn và từ đó giúp dẫn dắt, đưa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực. Đồng thời, giúp gia  tăng niềm tin, nâng cao mức độ hài lòng của người dân với chính quyền  địa phương. 

CĐS là quá trình chông gai nhưng khi làm tốt thì sẽ góp phần gia tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh của địa phương. Nhiều nghiên cứu đã cho  thấy, quốc gia nào hoặc thành phố, địa phương nào nếu làm tốt CĐS hoặc  nâng cao mức độ trưởng thành số thì đều có năng lực cạnh tranh cao hơn  quốc gia khác hoặc tỉnh, thành khác. Ở Việt Nam, các tỉnh thành có thành tích CĐS tốt thì hầu hết có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cao.  

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) tham quan triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số, hạ tầng thông minh tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Hải Hà
Phó chủ tịch UBND tỉnh  Nguyễn Sơn Hùng (giữa) tham quan triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số, hạ tầng thông minh tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Hải Hà

 Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành có nhiều điều kiện kinh tế  thuận lợi, thu hút đầu tư cao, cũng như thu nhập bình quân đầu người cao trong top 10 cả nước. Tỉnh có sự kết nối với trung tâm kinh tế lớn  TP.HCM và thuận lợi về kết nối vùng và với các tỉnh trong vùng kinh tế  trọng điểm phía Nam.

Theo quan sát của tôi, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm nhiều hơn về CĐS. Đơn cử như tỉnh đã thành lập Hội đồng Tư vấn CĐS,  điều này không phải tỉnh nào cũng làm được. Đồng Nai là một trong những  tỉnh lập hội đồng này sớm trong cả nước. Qua đó thể hiện quyết tâm thực  hiện CĐS của địa phương.  


 Lãnh đạo tỉnh, nhất là Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng  Tư vấn CĐS của tỉnh, lãnh đạo Sở TT-TT đã năng động và cầu thị trong  việc kết nối nguồn lực, phối hợp với các đơn vị đào tạo trong và ngoài  tỉnh với các cơ quan liên quan ở Chính phủ. Những nỗ lực này đã tạo các  chuyển biến ban đầu rất quan trọng về CĐS. Tuy vậy, CĐS là quá trình lâu dài, liên tục và không có đường tắt. Các lãnh đạo cao nhất của địa  phương cần cùng vào cuộc và kiên trì hỗ trợ để các cơ quan tuyến đầu như Sở TT-TT, Sở KH-CN cùng với các địa phương trong tỉnh có thể thực hiện  được nhiệm vụ quan trọng này.  

Trong năm 2023, Đồng Nai là một trong các tỉnh, thành tổ chức Tuần lễ CĐS khá thành công, tích hợp nhiều sự kiện và hoạt động góp phần nâng  cao nhận thức của người dân trên địa bàn về CĐS. Ngoài ra, hạ tầng số  của tỉnh cũng tương đối phát triển hơn so với nhiều địa phương khác.  


 * Đâu là những khó khăn, hạn chế của tỉnh trong quá trình thực hiện CĐS?

 - Đồng Nai nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung đang ở trong  giai đoạn đầu về CĐS nên sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Thứ nhất, mặc dù Đồng Nai là một địa phương có nhiều điều kiện, tiềm  năng phát triển, nhưng điều này cũng đồng nghĩa là địa phương có quá  nhiều lĩnh vực cần ưu tiên. Do đó vô hình trung có thể làm phân tán  nguồn lực của địa phương đối với công tác CĐS.

 Thứ hai là vấn đề kinh phí. Đây là khó khăn chung của nhiều địa  phương không riêng gì ở Đồng Nai. Nhiều dự án CĐS chưa triển khai được  vì còn thiếu kinh phí hoặc có trường hợp dù có kinh phí nhưng chưa thể  sử dụng để triển khai dự án do vấn đề ở các khâu thủ tục, quản trị tài  chính công và các yếu tố ràng buộc tài chính quy định…  

Lãnh đạo Sở TT-TT và một số sở, ngành của tỉnh tham quan mô hình về hạ tầng thông minh bên lề hội thảo Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2023. Ảnh: Hải Hà
Lãnh đạo Sở TT-TT và một  số sở, ngành của tỉnh tham quan mô hình về hạ tầng thông minh bên lề hội thảo Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2023. Ảnh:  Hải Hà

 Thứ ba là các vấn đề liên quan đến an ninh mạng. Đây là vấn đề nhiều  địa phương trong đó có Đồng Nai sẽ phải đối mặt, trở thành một thách  thức lớn trong bối cảnh cảnh công nghệ ngày càng phát triển, các ứng  dụng số càng nhiều thì các “lỗ hổng” về an ninh, an toàn thông tin mạng  càng đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Các bài học ở nhiều nước phát triển  hơn như Hàn Quốc và Estonia cũng cho thấy điều đó.  


 Tiếp theo là vấn đề quản trị thực thi chiến lược CĐS. Cần phải đo  lường được hiệu quả của việc triển khai và chú trọng đến người dùng hơn  là số lượng và hình thức. Ngoài ra, địa phương cần lưu ý đến đầu tư hạ  tầng máy móc, thiết bị, công nghệ thông tin; vấn đề về “khoảng cách số”, năng lực số giữa các địa phương trong tỉnh, giữa người dân ở khu vực  nông thôn, thành thị…  


 * Với tư cách là một chuyên gia, thành viên Hội đồng Tư  vấn CĐS của Đồng Nai, ông có những khuyến nghị, đề xuất gì về các chính  sách, mô hình quản trị của địa phương để thay đổi tư duy, nỗ lực phát  triển từ chính quyền truyền thống đến chính quyền điện tử và chính quyền số? 

- CĐS nói chung hay xây dựng chính quyền số nói riêng liên quan nhiều đến yếu tố con người và chiến lược hơn là yếu tố hạ tầng và công nghệ.  Điều chúng ta cần nhấn mạnh ở đây là phải có chiến lược, có con người,  có sự quản trị tốt hơn. 

Trong đó, lãnh đạo địa phương trước hết cần xác lập tầm nhìn, sự quan tâm nhiều hơn đến công tác CĐS. Đồng thời phải hiểu và xác định được 3  nhóm chính xây dựng chính quyền số gồm: hệ thống quản trị và quy trình  nội bộ, nền tảng cung cấp dịch vụ công, nền tảng để các bên liên quan  tham gia vào quá trình ra quyết định của chính quyền.  


 Ngoài ra, tỉnh cũng cần nghiên cứu kỹ đặc thù của các địa phương  trong tỉnh để tùy chỉnh một cách linh động các chỉ tiêu, phương thức  triển khai, phát triển các chỉ số thành phần liên quan đến CĐS bởi một  khi hạ tầng số khác biệt, thu nhập khác biệt, trình độ khác biệt thì  không thể triển khai rập khuôn, giống nhau được. 

Đơn cử như, việc triển khai CĐS ở TP.Biên Hòa sẽ khác so với các địa  phương vùng xa như: Tân Phú, Định Quán. Việc phổ biến các ứng dụng chính quyền số, xã hội số dành cho người dân ở các các độ tuổi, dân tộc, nghề nghiệp… có sự linh động, phù hợp. 

* Theo ông, vấn đề nào cần tập trung hàng đầu? Những yếu  tố mà địa phương cần lưu ý, khắc phục ngay để cải thiện, nâng cao các  chỉ số về CĐS? 

- Theo tôi, yếu tố đầu tiên đó là địa phương cần dành ưu tiên cao cho triển khai chiến lược CĐS. Không chỉ riêng tỉnh Đồng Nai mà theo quan  sát của nhóm nghiên cứu chúng tôi, lãnh đạo địa phương quan tâm, ưu tiên nhiều hơn và thực chất hơn đến CĐS thì địa phương đó sẽ bứt phá về CĐS. Một vài tỉnh lận cận Đồng Nai đã minh chứng cho điều này. 

Đồng Nai hiện có nhiều công trình trọng điểm cấp quốc gia và địa  phương. Tuy vậy, tỉnh tuyệt đối không nên xao nhãng thực hiện CĐS. Bởi,  việc này có liên hệ mất thiết với chuyển đổi xanh, tăng trưởng kinh tế,  năng lực cạnh tranh, cũng như các cam kết về phát thải ròng của Chính  phủ. 

Thứ hai là xác định đúng trọng tâm chiến lược CĐS của địa phương  mình. Không quá ôm đồm, không chạy theo phong trào, cần rõ ràng, cụ thể  và đo lường được.  


 Thứ ba là việc quản trị chiến thực thi chiến lược nói trên. Đơn cử,  trong hoạt động hành chính công, không phải cứ đưa càng nhiều dịch vụ,  ứng dụng trực tuyến là phản ánh trình độ CĐS mà phải có những đánh giá  thực tế về hiệu quả, đánh giá xem những ứng dụng nào người dân và doanh  nghiệp sử dụng nhiều, những ứng dụng người dân không sử dụng được vì  phức tạp hơn cách làm truyền thống. 

Nếu một dịch vụ trực tuyến đưa lên mà người dân không sử dụng thì đó  là một sự lãng phí quá lớn, cả về vật chất lẫn cơ hội. Hoặc nếu đưa lên  nhưng lại thêm nhiều thủ tục, áp dụng rập khuôn, thiếu linh hoạt, công  nghệ không phù hợp thì không những không đạt hiệu quả, mục tiêu CĐS đề  ra mà còn khiến người dân mệt mỏi thêm vì phải thực hiện nhiều hơn là  cách làm thủ công truyền thống.  


 Thứ tư là từng ngành nghề lĩnh vực phải tập trung làm ngay những điểm nghẽn mà công nghệ và ứng dụng mới có thể giải quyết nhanh chóng. Có 4  bước trong “la bàn” triển khai gồm: một là xác định điểm nghẽn và các  thử thách; hai là tập trung nguồn lực; ba là tập trung quản trị quá  trình CĐS và bốn là hỗ trợ quá trình triển khai CĐS một cách bền vững…

* Xin cảm ơn ông!  

Theo https://baodongnai.com.vn