Số lượt truy cập

1553323

/ Tin tức

Đề xuất nhiều chính sách để sống chung với dịch Covid-19

Bối cảnh mới của nền kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi cần đề ra nhiều chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế là chia sẻ của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học quốc tế “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” năm 2021 (CIEMB 2021) vừa diễn ra tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Các chính sách thu hút thảo luận của các chuyên gia trong thời kỳ mới của đại dịch Covid-19 liên quan đến các điểm nghẽn của 3 lĩnh vực: chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; an sinh xã hội và nguồn lao động.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt. Tuy nhiên làm thế nào để Nghị quyết 128 được thực hiện thông suốt trên toàn quốc cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Các chuyên gia nhìn nhận, các chính sách tới đây cần tập trung hướng đến hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”, thay vì tập trung theo hướng “ứng phó với Covid-19” và chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch.

Cùng đó khi dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng các giải pháp cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch.

Đề xuất nhiều chính sách để sống chung với dịch Covid-19

Tại hội thảo, nhóm các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân đã nêu nhiều đề xuất chính sách liên quan đến tiền tệ, tài khoá, ổn định chuỗi cung ứng.

Về chính sách tiền tệ, các chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Theo đó, chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ này sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, chưa tính đến chi phí tín dụng của các tổ chức tín dụng sẽ giảm xuống, đồng thời tăng khả năng tạo tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.

Liên quan đến chính sách tài khoá, các chuyên gia khuyến nghị khẩn trương ban hành và thực thi các chính sách nhằm hỗ trợ các chi phí phòng dịch, các chi phí tái tổ chức hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ban hành hướng dẫn các doanh nghiệp hạch toán chi phí phòng chống dịch, tái tổ chức sản xuất vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng đó trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn vào các doanh nghiệp quy mô lớn, có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế. Tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Không hỗ trợ dàn trải, bình quân, liều lượng hỗ trợ thấp. Đồng thời dư địa chính sách cũng không cho phép thực hiện bao phủ quá nhiều đối tượng.

Liên quan đến chuỗi cung ứng, các chuyên gia khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng và đạt được mục tiêu với trên 70% dân số được tiêm vaccine vào cuối quý I/2022, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy các chuối cung ứng.

Cho phép doanh nghiệp tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian giãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý.

Đặc biệt, Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn thay cho chuỗi cung ứng dài, thay thế nguồn hàng nhập khẩu nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì đại dịch Covid-19.

Đồng thời, chú trọng chuỗi cung ứng ngắn độc lập đáp ứng nhu cầu trong nước song hành với các chuỗi cung ứng dài cho xuất khẩu. Linh hoạt chuyển đổi để hỗ trợ tiêu thụ nông lâm, thủy sản.

Nghiên cứu giải pháp mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ.