Số lượt truy cập

1552373

/ Tin tức

Doanh nghiệp đối mặt nguy cơ suy giảm kinh tế

Từ đầu năm 2022, kinh tế toàn cầu tiếp tục rơi vào suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine. Quý IV-2022 là thời điểm nhiều doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn khi sức mua nhiều thị trường giảm, hàng tồn kho lớn, đơn hàng bị cắt giảm, các nhà máy thu hẹp sản xuất. Đồng Nai là trung tâm công nghiệp của Việt Nam nên chịu tác động rất nặng nề.

Nhiều ngành sản xuất thiếu đơn hàng

Hằng năm, quý IV là cao điểm của sản xuất công nghiệp, nhưng năm 2022, tình hình lại đảo ngược khi nhiều lĩnh vực như: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, điện tử… đồng loạt giảm đơn hàng. DN phải cố gắng chống đỡ để vượt qua khó khăn.

Theo Sở LĐ-TBXH, các DN lớn trên địa bàn tỉnh đa số thiếu đơn hàng nên buộc phải thu hẹp sản xuất. Vì thế, người lao động (NLĐ) trong một số nhà máy phải nghỉ không lương từ 1-2 ngày/tuần, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.

* Đơn hàng giảm 20-50%

Từ cuối quý III-2022, sản xuất công nghiệp bắt đầu chững lại do số lượng các đơn hàng giảm, các DN rơi vào tình trạng thu hẹp sản xuất. Nhiều DN đã sắp xếp lại thời gian làm việc cho phù hợp bằng cách cho NLĐ giảm giờ làm. Có nhiều công ty cho NLĐ nghỉ không lương từ 1-3 ngày/tuần vì đơn hàng đã giảm 20-50%. Một số DN còn có dự định dừng hoạt động trong một thời gian để tìm đơn hàng mới. Tình hình trên đã ảnh hưởng chung cả DN lẫn NLĐ.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1) Phan Thị Thanh Trúc chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Trước đây, dịp cuối năm đơn hàng luôn dồi dào, công nhân phải tăng ca mới đáp ứng kịp thời gian xuất hàng. Thế nhưng năm nay, vào dịp cuối năm, đơn hàng giảm 50% nên công ty phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Tuy DN cũng tìm kiếm thêm những khách hàng khác để bù lại nhưng hầu hết các thị trường đều giảm sức mua, rất khó tìm được đối tác mới”.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút gần 620 ngàn lao động, trong đó ngành dệt may, giày dép sử dụng lao động nhiều nhất với 57%, ngành cơ khí 12%, sản phẩm gỗ 7%, nhựa hóa chất 7%, điện tử 6%. Ngành dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, điện tử giảm 20-30% đơn hàng, ảnh hưởng đến rất nhiều NLĐ.

Tìm hiểu tại một số công ty thuộc ngành dệt may, giày dép, điện tử, sản phẩm gỗ… trên địa bàn tỉnh cho thấy, đa số đều rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Chỉ có một số ít DN vẫn giữ nguyên được sản xuất, kinh doanh nhờ có những mặt hàng độc quyền mà nhu cầu người tiêu dùng các nước đang cần. Theo các DN, những khó khăn trên có khả năng sẽ kéo dài đến giữa năm 2023.

Trợ lý tổng giám đốc Công ty TNHH Vacpro Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1) Nguyễn Ngọc An Hảo cho hay: “Từ tháng 8-2022, sức mua ở hầu hết các thị trường trên thế giới yếu dần dẫn đến số lượng hàng tồn kho lớn. Các nhãn hàng đã thu hẹp hoặc tạm dừng đặt hàng, công ty đã giảm gần 50% đơn đặt hàng so với dịp cuối năm 2021. Hiện công ty đang cố gắng tìm thêm thị trường và đơn hàng để phục hồi sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo thu nhập cho NLĐ”.

* Lo thiếu việc làm

Từ tháng 10-2022, nhiều DN đã phải cho công nhân lao động nghỉ việc không lương từ 1-3 ngày/tuần vì không có đơn hàng mới. Thời gian làm việc ít, không tăng ca, thu nhập của NLĐ cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các DN đang gồng mình, cố gắng duy trì sản xuất và trả lương đầy đủ cho NLĐ để giữ chân họ ở lại chờ qua đợt khó khăn này.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Đến thời điểm này, Đồng Nai chưa có công ty nào phải dừng hẳn hoạt động vì không có đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty lớn, đông lao động đều rơi vào cảnh thiếu đơn hàng nên đã thỏa thuận cho NLĐ nghỉ việc không lương từ 1-2 ngày/tuần và không tăng ca. Do đó, thu nhập của NLĐ giảm nên nhiều công nhân đã nghỉ việc. Tính từ tháng 5 đến tháng 10-2022, Đồng Nai có 30 ngàn lao động nghỉ việc, đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp”.

Cũng theo bà Hiền, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, Sở đã làm việc với các DN giảm lao động, giảm giờ làm, yêu cầu thực hiện các chính sách theo quy định của pháp luật và trả lương đầy đủ cho NLĐ. Vì thế, có một số nhà máy chuyển nơi hoạt động ra khỏi tỉnh nhưng đã thanh toán đủ lương cho NLĐ.

Sản xuất những mặt hàng độc quyền là cách để Công ty TNHH Quốc tế Fleming (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu
Sản xuất những mặt hàng độc quyền là cách để Công ty TNHH Quốc tế Fleming (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu

Ông Quách Thuận Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) chia sẻ: “Hiện nay, DN phải cùng lúc đối mặt với hàng loạt rủi ro là giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa liên tục leo thang đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đầu ra của sản phẩm vừa bị thu hẹp, lại không thể tăng giá tương ứng, lợi nhuận của DN rất thấp. Nhiều đơn hàng DN chỉ huề vốn nhưng vẫn nhận để đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ. Các DN đang rất vất vả tìm đơn hàng mới cho dịp cuối năm và đầu năm tới để giữ chân NLĐ”.

Một số tập đoàn sử dụng nhiều lao động tại Đồng Nai như: Taekwang, Changshin, Phong Thái, Hwaseung, Pouchen… đều đã cho NLĐ nghỉ luân phiên từ 1-2 ngày/tuần và không tăng ca do đơn hàng ít.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, trong thời gian tới, một số DN có thể phải dừng hoạt động vì hết đơn hàng. Do đó, Sở LĐ-TBXH phải nắm được thông tin những DN trên địa bàn tỉnh sẽ ngưng hoạt động và NLĐ không còn việc làm sẽ giải quyết như thế nào. Từ đó, đề xuất tỉnh hướng hỗ trợ kịp thời cho NLĐ đã mất việc để họ có điều kiện tìm việc làm mới, ổn định cuộc sống.

Dịch bệnh Covid-19, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc, chiến sự giữa Nga - Ukraine kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Tình trạng lạm phát, suy thoái trên thế giới đã giáng đòn nặng nề đến mọi hoạt động của đời sống khiến nhu cầu hàng hóa giảm, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị gián đoạn, chi phí sản xuất gia tăng. Trong đó, sản xuất công nghiệp của Đồng Nai chịu ảnh hưởng nặng nề vì các thị trường chính như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc đều đang gặp nhiều khó khăn.