Số lượt truy cập

1552141

/ Tin tức

Doanh nghiệp FDI tăng thị phần nội địa

Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu khó khăn nên nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai đã quan tâm mở rộng tiêu thụ nội địa. Vì thế, thị phần trong nước của DN FDI tăng khá cao.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm nay, DN FDI trong các khu công nghiệp tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa gần 1,44 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Hiện hàng hóa của các DN FDI trong các khu công nghiệp tiêu thụ nội địa chiếm 40% trong tổng doanh thu.

* Khai thác thị trường nội địa

Năm 2020, thị trường nội địa đã cứu cánh cho nhiều DN trong nước, DN FDI. Lúc đó, DN gặp rất nhiều khó khăn do đầu vào và đầu ra đều không thuận lợi, vì nguyên liệu nhập khẩu thiếu, sản phẩm xuất khẩu chậm. Nhiều DN đã quay về tìm nguyên liệu ở thị trường nội địa, đây là cơ hội cho nhiều DN tăng thị phần trong nước. Đồng Nai là một trong những nơi sản xuất công nghiệp hỗ trợ hàng đầu cả nước, các DN dễ dàng tìm khách hàng tại Việt Nam để mua, bán sản phẩm.

Ông Khuất Quang Hưng, Trưởng bộ phận truyền thông đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho hay: “Thời điểm mới xảy ra dịch bệnh Covid-19, công ty bị ảnh hưởng đến một số mặt hàng xuất khẩu, tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên sau đó, công ty đã có nghiên cứu thị trường và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đưa ra những sản phẩm trong nước, nước ngoài đang cần nên hàng hóa tiêu thụ nội địa tăng và xuất khẩu vẫn ổn định”. 

Trong cơ cấu xuất khẩu của Đồng Nai có khoảng 60% kim ngạch thuộc mặt hàng là đầu vào cho nhiều ngành như: dệt may, giày dép, máy tính, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, hóa chất, chất dẻo... Đây cũng là những mặt hàng các DN tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác đang phải nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Khi khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu, các DN đã quay về tìm nguồn cung tại thị trường nội địa.

Ông Yasuhiro Tada, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kureha Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Hơn 1 năm nay, công ty đã tăng tìm kiếm và mua nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, chỉ những sản phẩm trong nước không đáp ứng được mới nhập khẩu. Có nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giúp DN chủ động hơn trong sản xuất. Hàng hóa của công ty sản xuất ra cũng chú ý tiêu thụ ở thị trường nội địa. Do đó, sản xuất của công ty vẫn ổn định và giữ mức tăng trưởng khá”.

* Tìm được cơ hội trong khó khăn

Tại Đồng Nai, nhiều DN FDI, DN trong nước đã phục hồi sản xuất và tăng tốc khá nhanh. Các DN đã kịp thời nắm bắt nhu cầu của thị trường trong nước, nước ngoài trong thời dịch bệnh Covid-19 để điều chỉnh sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cho phù hợp. Đơn cử như ngành Dệt may đã tăng sản xuất các loại vải để may khẩu trang, quần áo bảo hộ chống dịch. Ngành Máy móc thiết bị sản xuất thêm những mặt hàng cho ngành Y tế. Ngành Chế biến thực phẩm sản xuất những sản phẩm tăng sức khỏe cho người dân... Vì thế, trong năm 2020, nhiều DN FDI vẫn giữ mức tăng trưởng khá cao. Đặc biệt 2 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là của các DN FDI.

Ông Peter Wu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom), Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan ở Đồng Nai chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các thiết bị máy móc xuất khẩu sang nhiều nước. Năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid-19, công ty đã liên kết với khách hàng ở Hoa Kỳ sản xuất thêm các loại máy móc, thiết bị y tế phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu nên hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục được mở rộng”.

Theo các DN FDI, hiện Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và các dòng thuế xuất, nhập khẩu đã và đang giảm dần về 0%. Trong mỗi hiệp định thương mại tự do đều yêu cầu hàng hóa xuất khẩu muốn hưởng ưu đãi về thuế phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Đặc biệt, mới đây nhất có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu được xem là cứu cánh cho Việt Nam trong thời dịch Covid-19. Các DN FDI tăng cường tìm nguyên liệu trong nước nên những DN cung ứng sản phẩm đầu vào chỉ cần đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cạnh tranh là có thể ký hợp đồng lâu dài.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai đánh giá, trong thời gian tới, các DN Hàn Quốc đang hoạt động ở tỉnh sẽ tăng kết nối với DN trên địa bàn để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau. Việc này sẽ đem lại cơ hội cho cả hai phía vì tăng được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đồng thời chủ động nguyên liệu cũng giúp DN yên tâm sản xuất.