Số lượt truy cập

1552093

/ Tin tức

Đồng Nai: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 tăng 2,7%

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều gặp khó khăn, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp thấp, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Một số doanh nghiệp thuộc các ngành vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, nhất là những doanh nghiệp sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt một số ngành có chỉ số tăng trưởng âm như điện tử, chế biến gỗ, sản xuất kim loại vv… tuy nhiên với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng với lãnh đạo, chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: miễn giảm tiền thuê đất, giãn thuế, đặc biệt ngành Bảo hiểm cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc tạm dừng việc nộp tiền BHXH cho trên 10 ngàn lao động do đó tình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực hơn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên từ cuối tháng 7 đến nay dịch Covid-19 tái xuất hiện trở lại, một số địa phương đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất kinh doanh nói chung khó khăn trong sản xuất công nghiệp vẫn còn lớn.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2020 tăng 2,7% so tháng trước. Trong đó: Khai khoáng tăng 0,89%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,3%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,54%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1,53%. Trong các ngành công nghiệp cấp II có một số ngành tăng so tháng trước như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 7,61%; Sản xuất trang phục tăng 6,93%; sản xuất thiết bị điện tử và sản phẩm quang học tăng 5,85%; sản xuất xe có động cơ tăng 4,79%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 4,57%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 4,57%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 3,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 3,49%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,1%; sản xuất gường tủ, bàn ghế tăng 3,01%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,72%... nguyên nhân tăng do nhu cầu tiêu thụ một số mặt hàng tăng và thị trường tiêu thụ sản phẩm có dấu hiệu tích cực hơn; các doanh nghiệp đã cho công nhân đi làm lại sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh, tái khởi động hợp đồng đã ký do vậy tình hình sản xuất tăng so tháng trước.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2020 tăng 5,38% so cùng kỳ. Trong đó: ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 6,45%; ngành công nghiệp chế biến tăng 5,84%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 1,08%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 8,77%. Trong các ngành công nghiệp cấp II các ngành có sự tăng, giảm như sau: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,1% do các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, sản xuất chế biến thức ăn gia súc nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khá ổn định ít bị ảnh hưởng; Ngành dệt tăng 3,01%, đây là ngành chịu ảnh hưởng khá nặng của dịch Covid 19, tuy nhiên qua tháng 8 tình hình sản xuất kinh doanh của ngành này đã khá hơn do có hợp đồng trở lại; Ngành sản xuất trang phục tăng 3,41% do một số doanh nghiệp đã cho công nhân đi làm lại, ký được hợp đồng mới; Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,42% ngành này vẫn giữ được tăng trưởng khá bởi các doanh nghiệp có hợp đồng sản xuất từ trước, một số nước EU nhập hàng trở lại sau thời kỳ dịch Covid bùng phát như: Công  ty giày da Changshin, Pousung, Taekwang Vina, Dona Standar có mức tăng 5-10% so cùng kỳ; Ngành sản xuất thiết bị điện tử và sản phẩm quang học giảm 3,86%. Đây là ngành chịu sự ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh covid – 19, nhiều hợp đồng sản xuất kinh doanh phải hủy bỏ, một số doanh nghiệp khác sản xuất cầm chừng, nhiều doanh nghiệp sản xuất khó khăn do thiếu nguồn cung nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng; Ngành sản xuất gường, tủ, bàn ghế giảm 7,83%. Nguyên nhân giảm mạnh là vì thị trường xuất khẩu sản phẩm ngành này gặp nhiều khó khăn do những nhà nhập khẩu chủ yếu là Mỹ và các nước Eu, ngừng nhập hàng, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, tồn kho cao. Một số doanh nghiệp ngành gỗ đều có mức tăng trưởng âm như: Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thành Phú Phát (-25%); Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Chiu Yuan (-23%); đặc biệt Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thương Mại Quốc Tế Gia Mỹ (-40%)

Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 1,08% do lượng khí cấp bị sụt giảm nên nhà máy điện Nhơn Trạch phải vận hành bằng nhiên liệu dầu DO, mặt khác do sự điều phối của tập đoàn điện lực Việt Nam nên công suất phát điện giảm do đó chỉ số sản xuất của ngành này 8 tháng giảm so cùng kỳ.

Nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 8 tháng qua chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid – 19 nên tăng trưởng thấp; đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh có chuyển biến tích cực, song sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 ở nhiều quốc gia chưa được khống chế đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Trong 8 tháng/2020có 7/27 ngành có mức tăng trưởng âm; cao nhất là ngành sản xuất đồ gỗ (-7,83%), tiếp đến là điện tử (-3,86%), sản xuất thiết bị điện (2,32%), 20/27 ngành có chỉ số tăng. Trong đó có 10/27 ngành có chỉ số tăng dưới 5%; 10/27 ngành có mức tăng trưởng từ 5% trở lên, như vậy so tháng trước và cùng kỳ tháng 8 đã có sự chuyển biến tích cực đáng kể về số lượng doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá.