Số lượt truy cập

2276643

/ Tin tức

''Muôn hình vạn trạng" chiêu trò lừa đảo mạo danh, làm gì để không sập bẫy?

Theo Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn.

Hành vi lừa đảo càng ngày càng tinh vi

Các hình thức lừa đảo mạo danh như giả danh cán bộ công an, giả danh cán bộ quản lý xuất nhập cảnh... thông qua mạng xã hội, mạng viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo càng ngày càng tinh vi hơn trong thời gian gần đây.

''Muôn hình vạn trạng" chiêu trò lừa đảo mạo danh, làm gì để không sập bẫy?
Cần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo càng ngày càng tinh vi hơn

Cụ thể, các đối tượng thông qua mạng xã hội để tìm kiếm, tiếp cận với những người có nhu cầu xuất cảnh đi nước ngoài. Đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ hộ chiếu, xin visa; yêu cầu nộp ảnh chân dung, ảnh chụp căn cước công dân để làm thủ tục.

Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng gửi lại cho nạn nhân ảnh chụp hộ chiếu, visa được xác định giả mạo kiểu cắt ghép, chỉnh sửa. Đối tượng thông báo cho nạn nhân biết về thời gian xuất cảnh, yêu cầu có mặt tại sân bay nhận giấy tờ.

Khi nạn nhân có lòng tin bước đầu thì các đối tượng tiếp tục gửi văn bản giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh có nội dung “xác minh, chứng minh nguồn thu nhập và tài chính”, yêu cầu phải chuyển khoản tiền lớn vào tài khoản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để hoàn thiện hồ sơ và sẽ chuyển trả lại sau 30-40 phút. Nếu nạn nhân tin tưởng, thực hiện chuyển tiền thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.

Một chiêu trò khác cũng ghi nhận trong thời gian gần đây trên không gian mạng đó là liên tiếp xuất hiện các nạn nhân sập bẫy chiêu trò lừa đảo giả danh cơ quan chức năng, hướng dẫn hoặc báo lỗi tài khoản VNeID dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện cho nạn nhân, thông báo ứng dụng VNEID của họ bị lỗi. Sau đó, hướng dẫn họ tải ứng dụng sửa lỗi online. Sau khi nạn nhân cài đặt thì toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị chiếm đoạt.

Các ứng dụng giả mạo này có tính năng thu thập thông tin cá nhân, kiểm soát, theo dõi, điều khiển điện thoại nạn nhân từ xa. Mục đích là đăng nhập tài khoản ngân hàng và tin nhắn mã OTP để chiếm đoạt tiền của nạn nhân…

Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về các hình thức và dấu hiệu nhận biết các trường hợp lừa đảo trên không gian mạng. Khi tìm kiếm các dịch vụ trên mạng xã hội, người dân nên cẩn trọng và chọn lọc kỹ những tổ chức/doanh nghiệp uy tín.

Đồng thời, xem xét lịch sử các bài đăng trên Fanpage; lời giới thiệu, thông tin và hình ảnh mà Fanpage cung cấp. Người dùng có thể yêu cầu xem giấy phép kinh doanh hoặc xem đánh giá của các khách hàng trước của Fanpage để nhận định mức độ uy tín.

Đặc biệt, trong trường hợp nhận thấy bất kỳ hành vi lừa đảo hoặc mạo danh nào từ phía VNeID, hãy thông báo cho họ ngay lập tức thông qua các kênh liên lạc chính thức của họ để họ có thể hỗ trợ xử lý vụ việc.

Cục An toàn thông tin đã liên tục đưa ra khuyến cáo nhưng vẫn có người dân nhẹ dạ cả tin sập bẫy đối tượng lừa đảo. "Do đó, người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc" - Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Giải pháp ngăn chặn, nâng cao cảnh giác

Theo Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Trong đó, việc các đối tượng lừa đảo tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.

Trên cơ sở nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh còn là người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, một việc quan trọng không kém là làm sao thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.

Nêu cụ thể, các giải pháp ngăn chặn, nâng cao cảnh giác, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ, thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân gồm: Xây dựng và phát hành các bộ Cẩm nang về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng.

Thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng, phối hợp với đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, các cơ quan báo chí truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân.

Triển khai xây dựng chuỗi series Điểm tin tuần với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo cũng như các khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Xây dựng, phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn) trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.

Thứ hai, triển khai quyết liệt và chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật gồm: Tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại. Chỉ đạo, điều phối ngăn chặn các trang web/blog vi phạm pháp, bảo vệ người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) để đánh giá, xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tại đây cũng công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến.

Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời một số nhóm tội phạm công nghệ cao; không để xảy ra sự cố thiệt hại nghiêm trọng do lộ lọt thông tin.

Tăng cường giám sát, vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn để: Điều phối, đôn đốc các nhà mạng xử lý 100% các phản ánh của người dân; kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới; tổ chức chỉ đạo, điều phối các nhà mạng chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt vào dịp cuối năm.

<Báo Công Thương>