Số lượt truy cập

3715138

/ Tin tức

Tăng thuế - biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá (H)

Tăng thuế - biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá (H)

Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến các chính sách tài khóa vì sự phát triển bền vững, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá là giải pháp được khuyến nghị mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ, cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thuốc lá rẻ rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp

Ngày 23/4/2025, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn "Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường".

Thông tin tại hội nghị cho biết, mặc dù đã được chứng minh trong thực tế, chính sách thuế TTĐB là biện pháp hiệu quả nhất nhằm giảm sử dụng tiêu dùng thuốc lá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kể từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ có 3 lần tăng thuế thuốc lá, nhưng mức tăng mỗi lần chỉ có 5% trên giá xuất xưởng và khoảng cách giữa các lần tăng khá dài.

Dẫn chứng cho điều này, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, năm 2006, Việt Nam tăng thuế từ mức 55% lên 65%, phải 8 năm sau đó, tức năm 2016, mới tiếp tục tăng lên 70% và đến năm 2019 mức thuế này là 75%. Tuy nhiên, đây là mức thuế tính trên giá xuất xưởng chứ không phải là giá bán lẻ.

Theo tính toán, việc tăng thuế từ 70% lên 75% giá xuất xưởng chỉ làm giá bán của 1 bao thuốc lá tăng 220 đồng. Nếu người bán lẻ có thể cùng tăng giá, thì sẽ làm giá 1 bao thuốc lá tăng lên khoảng 300 đồng, tương đương 3%. Trong khi trên thực tế lạm phát trung bình qua các năm ở mức 4% và thu nhập của người Việt Nam cũng tăng trung bình 5%.

Đặc biệt, các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế, sau đó lại tăng trở lại. Cụ thể, trong lần tăng thuế 2006, mức tăng 10% (từ 55% lên 65%) chỉ làm giảm tiêu dùng trong năm tăng thuế và sau đó tiêu dùng tăng ngay trở lại (sản lượng tiêu thụ nội địa giảm từ 4.032 triệu bao năm 2005 xuống 3.451 triệu bao năm 2006 nhưng tăng trở lại 3.897 triệu bao năm 2007).

Trong lần tăng năm 2016, thuế thuốc lá mới được tăng tiếp với biên độ nhỏ hơn là 5%. Đến 2019 cũng tăng với mức tương tự là 5%. Tổng tiêu dùng thuốc lá giảm năm 2017, 2018, 2019 nhưng lại tăng trở lại vào các năm sau đó. “Việc tăng thuế có tác động nhưng còn rất ít tới tiêu dùng trong các năm đó”, bà Phạm Thị Hải nhấn mạnh.

Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đang áp dụng thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ 75% trên giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 36%, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59%, và chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN.

Giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0,9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15/19 nước khu vực Tây Thái Bình Dương.

Kết quả điều tra giá bán lẻ thuốc lá điếu ở Việt Nam năm 2023 do trường Đại học Y tế Công cộng và Tổ chức HealthBridge công bố năm 2024 cho thấy, trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, thậm chí có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 - 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.

"Đánh trực tiếp vào túi tiền" để người sử dùng dễ dàng bỏ

Tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội. Theo ước tính tại Việt Nam, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm, gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Trong khi thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm, khoảng 85.500 ca tử vong/năm.

Khẳng định cùng với các biện pháp khác, tăng thuế thuốc lá là giải pháp hiệu quả nhất nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, bà Phan Thị Hải dẫn chứng tại Thái Lan, tác động của chính sách thuế đến giảm sử dụng thuốc lá chiếm đến 61%, trong khi cấm quảng cáo, tiếp thị chỉ chiếm 20%; truyền thông 7%, cảnh báo trên bao bì sản phẩm 4%.

“Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nếu không đánh trực tiếp vào túi tiền thì người sử dụng rất khó bỏ”, bà Phan Thị Hải khẳng định.

Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi do Bộ Tài chính soạn thảo sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV tới đây. Theo đó, dự thảo đã đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo hướng từ năm 2026 mỗi bao thuốc lá sẽ phải chịu thêm thuế TTĐB tuyệt đối 2.000 đồng và tăng dần mỗi năm, đạt 10.000 đồng vào năm 2030.

Phương án 2, giữ nguyên thuế suất 75%, nhưng ngay từ năm 2026 sẽ áp dụng mức thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau sẽ tăng thêm 1.000 đồng/bao, đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/bao.

Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2 vì cho rằng, việc tăng thuế tuyệt đối ngay từ năm 2026 sẽ tạo sự chuyển biến rõ rệt trong giảm tiêu thụ thuốc lá.

Theo bà Phan Thị Hải , cả 2 phương án tại dự thảo do Bộ Tài chính đề xuất đều tốt hơn so với các đề xuất trước đây, và về mặt thực tiễn đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, ở góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vị này mong muốn mức thuế đối với thuốc lá cần cao hơn.

Ở góc độ kinh tế, chuyên gia Đào Thế Sơn cho rằng, thuế TTĐB đối với thuốc là nên được coi là một chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn là ngược lại. Do đó, Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế TTĐB để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững. Mức tăng thuế từ mức 5000 đồng/bao từ 2026 (thuế tuyệt đối) và tăng dần lên 15000 đồng/bao vào năm 2030 giúp cân bằng ngân sách, phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển và phát triển bền vững.

Ông Đào Thế Sơn nhấn mạnh, chậm tăng thuế TTĐB thuốc lá khiến ngân sách mất đi nguồn thu khoảng 8.000-9.0000 tỷ đồng/năm. Nguồn thu từ tăng thuế TTĐB thuốc lá có thể dùng cho cải thiện chương trình phát triển bền vững; hỗ trợ chi trợ cấp giáo dục, trợ cấp y tế cho hộ nghèo./.