Số lượt truy cập

3282077

/ Tin tức

Đồng Nai phát triển đô thị sân bay gắn với khai thác thị trường tiêu thụ lớn

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp (KCN) và quá trình đô thị hóa. Từ đầu những năm 1990, Đồng Nai bắt đầu hình thành các KCN, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với phát triển các ngành công nghiệp chế biến và công nghệ cao. Đến nay, Đồng Nai đã có hơn 30 KCN, trong đó nhiều KCN đã lấp đầy diện tích, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của tỉnh.

Sự phát triển của các KCN đã kéo theo quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Những khu vực như Biên Hòa, Long Khánh và các huyện lân cận các KCN lớn đã trở thành những trung tâm đô thị năng động. Thành phố Biên Hòa, nhờ vị trí gần Thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông thuận lợi đã trở thành đô thị lớn nhất tỉnh. Sự phát triển các KCN và quá trình đô thị hóa tại Đồng Nai là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tỉnh cần chú trọng vào việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, quản lý chặt chẽ các vấn đề môi trường và xây dựng chiến lược phát triển đô thị toàn diện. Trong đó, Quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045 đang được các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn phối hợp lập, hoàn thiện là quy hoạch đô thị quan trọng của tỉnh nhằm định hướng phát triển đô thị sân bay đầu tiên của cả nước. Đây là lợi thế lớn Đồng Nai cần khai thác để vươn lên tốp đầu phát triển công nghiệp hiện đại và đô thị văn minh không chỉ ở vùng ĐNB, mà của cả nước.

Đồng Nai đang đứng giữa trung tâm vùng ĐNB với cơ hội phát triển tốt nhất, nhanh nhất so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trọng tâm phát triển của Đồng Nai là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, đô thị Sân bay quốc tế Long Thành, logistics chất lượng cao... Những mục tiêu phát triển trên phải kết nối với cả vùng ĐNB, tận dụng lợi thế đô thị sân bay để trở thành trung tâm kinh tế của cả vùng, cả nước. Nghĩa là Đồng Nai có sân bay nên nghĩ đến việc phục vụ cho những tỉnh, thành lân cận với mục tiêu cùng có lợi và cùng phát triển. Ở đây không chỉ là giá trị của dự án sân bay, mà hàng trăm, hàng ngàn hécta xung quanh sân bay cần được khai thác để đem đến những giá trị không chỉ cho Đồng Nai, mà còn cho những tỉnh, thành lân cận và kinh tế cả nước.

Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, ĐNB là vùng có số lượng người nhập cư trung bình hàng năm lớn nhất trong các vùng trên cả nước. ĐNB là nơi giải quyết sinh kế cho hàng triệu lao động của cả nước. Các tỉnh, thành vùng ĐNB như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang hình thành các trung tâm cung ứng, chế biến, các chuỗi logistics… cung ứng hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, ĐNB cũng chính là thị trường lớn nhất nước trong tiêu thụ hàng hóa cũng như các dịch vụ khác. Điểm mấu chốt để kích cầu nền kinh tế là Đồng Nai phải quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn trên các dự án đầu tư, của thị trường bất động sản gắn với các đô thị để có dòng tiền lớn vào kinh tế và dòng tiền này sẽ kích tổng cầu của nền kinh tế. ĐNB cần kích cầu tiêu dùng, trong đó có du lịch, thương mại là dòng tiền nhanh để kích cầu kinh tế.

Đồng Nai phải tận dụng tốt mối liên hệ này để phát triển, trở thành đầu tàu kinh tế cả nước. Tư duy mới khi làm đô thị Sân bay quốc tế Long Thành là xây dựng một tiểu vùng đô thị lấy sân bay làm trung tâm kết nối với những khu chức năng đô thị bao gồm: đô thị KCN, khu đô thị sáng tạo, khu giáo dục, y tế... kết nối với nhiều tỉnh, thành của ĐNB. Sân bay quốc tế Long Thành hướng đến mục tiêu phục vụ 100 triệu khách/năm và phải phục vụ cho cả vùng đô thị ĐNB có tiềm lực kinh tế lớn nhất cả nước, đặc biệt là thị trường lớn Thành phố Hồ Chí Minh.