/ Tin tức
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam cần những hướng tiếp cận mới nhằm đẩy nhanh và gia tăng hiệu quả
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cách tiếp cận cũ đang làm chậm lại và giảm hiệu quả của quá trình CNH, HĐH ở nhiều địa phương; từ đó ảnh hưởng chung đến kết quả CNH, HĐH ở quy mô quốc gia. Bài viết đề xuất một số hướng tiếp cận mới, nhằm đẩy nhanh và gia tăng hiệu quả của quá trình này trên quy mô toàn quốc.
Việt Nam nên phát triển công nghiệp như thế nào
Đây là một trong những nội dung rất quan trọng và cần được hoàn thiện sớm cho giai đoạn chiến lược 10 năm tới; tầm nhìn đến 2045, 2050.
Quy hoạch công nghiệp đã được cấu trúc thành một hợp phần trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng như quy hoạch phát triển của các địa phương (Theo Luật Quy hoạch). Tuy nhiên, cần có một cách tiếp cận mới trong xây dựng hợp phần Quy hoạch công nghiệp (ở cả cấp quốc gia và địa phương), thể hiện ở 3 nội dung quan trọng, đó là: (i) Xác định các ngành ưu tiên; (ii) Phân bổ không gian công nghiệp và (iii) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp.
1. Lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên
Trước hết, cần thống nhất quan điểm lựa chọn ưu tiên là để:
- Dành nguồn lực thích đáng cho phát triển: Nhà nước đầu tư tực tiếp hoặc có các cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên;
- Các ngành không được ưu tiên không có nghĩa là không phát triển, mà là vẫn phát triển theo tín hiệu của thị trường (nhưng không cần ưu đãi).
Các ngành công nghiệp ưu tiên được lựa chọn dựa trên 3 trụ cột sau:
- Ngành nền tảng cho phát triển;
- Ngành tận dụng được lợi thế trong trung hạn (10-15 năm tới);
- Ngành có tác động lan tỏa, bệ đỡ cho các ngành/lĩnh vực khác phát triển.
Với cách tiếp cận như vậy, thì các ngành được lựa chọn ưu tiên, gồm:
a) Ngành nền tảng:
Chiến lược 10 năm xác định “Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu...”. Tuy nhiên, với cách tiếp cận mới, các ngành nền tảng nên được chia làm hai nhóm: (i) Ngành nền tảng và (ii) Ngành có tác động lan tỏa.
Với cách tiếp cận này, thì ngành nền tảng chỉ nên lựa chọn là ngành năng lượng (Đầu vào cho tất cả các ngành, lĩnh vực); nhưng là năng lượng sạch, phù hợp với cam kết của Việt Nam với quốc tế là zero phát thải vào năm 2050.
Ngoài ra, ngành luyện kim (thép chế tạo) cũng cần được ưu tiên phát triển.
b) Ngành tận dụng được lợi thế trong trung hạn:
Ngành tận dụng được lợi thế trong trung hạn (10-15 năm tới) là ngành Dệt may, Da giày; do tận dụng được lợi thế về nhân lực giá rẻ. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của của ngành này, cần theo đúng định hướng của Chiến lược, là “… dịch chuyển lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của từng ngành”.
Điều đó có nghĩa là, thay vì tiếp tục phát triển may gia công (khu vực có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành), thì ngành này cần dịch chuyển lên phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn là dệt và nhuộm.
Đáng tiếc là, định hướng của Đảng là như vậy, nhưng trong tổ chức thực hiện, nhiều địa phương, do thiếu hiểu biết về “Phát triển bền vững”, nên đã từ chối các dự án dệt nhuộm (với lý do ô nhiễm môi trường), khiến cho ngành dệt may của Việt Nam, cho đến nay, vẫn đứng ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành là may gia công.
Tình trạng này cần sớm được khắc phục.
Ngoài ra, ngành dệt may cần tiếp cận và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới về các yêu cầu sinh thái của sản phẩm.
c) Ngành có tác động lan tỏa:
Như trên đã nói, việc lựa chọn các ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển không nên chỉ nhìn cô lập trong lĩnh vực công nghiệp, mà cần nhìn nhận tác động lan tỏa của công nghiệp đối với các ngành, lĩnh vực khác.
Việt Nam là một đất nước có tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn (nguồn nguyên liệu) với hiện còn khoảng gần 70% dân số sống bằng nghề nông; thị trường các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đang rộng mở ở quy mô toàn cầu.
Chính vì vậy, ngành/lĩnh vực mà công nghiệp Việt Nam cần hướng đến để phục vụ, làm bệ đỡ, tác động lan tỏa chính là ngành nông nghiệp.
Với cách tiếp cận như vậy, các phân ngành công nghiệp có tác động lan tỏa, bệ đỡ cho ngành nông nghiệp phát triển, được xác định, gồm:
- Cơ khí phục vụ nông nghiệp: Các loại máy canh tác, chế biến…; Phương tiện vận tải (bộ, thủy, biển)…
- Hóa chất phục vụ nông nghiệp: Các loại phân bón, thuốc BVTV… theo hướng oganic, hữu cơ (xanh và sạch).
- Công nghiệp sinh học: Giống cây, con; Công nghệ nuôi trồng, chế biến…
Như vậy, các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất, phân bón, thay vì được xác định là ngành nền tảng chung cho cả nền kinh tế (như Chiến lược đã đề ra), nay với cách tiếp cận mới này, cần được định hướng cụ thể là trực tiếp phục vụ cho sự phát triển của ngành/lĩnh vực nông nghiệp, với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp.
Cách tiếp cận này được cho là phù hợp với nguồn lực còn hạn chế của quốc gia (không dàn trải cho mọi ngành/lĩnh vực) và phù hợp với tiềm năng phát triển của nông nghiệp Việt Nam cho những năm sắp tới.
2. Định hướng về phân bố không gian công nghiệp
Hiện tại, phân bố không gian công nghiệp đang do thị trường quyết định mà thiếu vai trò định hướng của Nhà nước; Dẫn đến tình trạng phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng của nhiều địa phương trong một vùng kinh tế, hầu như là giống nhau, gây nên sự cạnh tranh không đáng có.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là giai đoạn vừa qua, ta mới tập trung phát triển về số lượng, ít quan tâm đến cơ cấu.
Giai đoạn tới, cần thay đổi cách tiếp cận phát triển. Cụ thể:
- Thứ nhất, tiếp cận theo vùng chức năng
Các nội dung cần quan tâm, gồm:
+ Xác định vùng/khu vực nào nên hay không nên phát triển công nghiệp (thay vào đó là phát triển nông nghiệp, dịch vụ, thậm chí là bảo tồn…);
+ Định hướng dịch chuyển/giảm mật độ công nghiệp ở những vùng có mật độ cao: Dịch chuyển những ngành nào, đi đâu… lấy chỗ/đất cho phát triển các ngành/lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn…; như tại các trung tâm đô thị lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ…).
+ Định hướng dịch chuyển các ngành công nghiệp ở khu vực ven biển lên các khu vực cao hơn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Cách tiếp cận này cần phù hợp với cách tiếp cận hiện nay của Bộ KH&ĐT về các vùng động lực và các hành lang kinh tế trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
- Thứ hai, tiếp cận theo các cụm liên kết ngành
Các cụm liên kết ngành (LKN) được hình thành trên cơ sở các vùng lõi và vùng đệm công nghiệp. Vùng lõi là hạt nhân (với doanh nghiệp nòng cốt); vùng đệm là phát triển CNHT và các ngành công nghiệp khác.
Việc xây dựng các cụm LKN không cần làm quá nhiều (cho toàn bộ ngành công nghiệp), mà chỉ nên quan tâm đến các ngành công nghiệp ưu tiên (đã được lựa chọn). Điều đó là phù hợp với nguồn lực (nhân lực, tài chính) phát triển trong giai đoạn này.
Các nghiên cứu và thực thực tiễn đã chỉ ra rằng, để phát triển thành công một cụm LKN, ngoài các nhân tố, như: Năng lực của doanh nghiệp; Nguồn nhân lực; Thị trường và hội nhập; các tổ chức liên quan... thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng.
Để làm tốt vai trò của mình, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:
- Đổi mới trong nhận thức và tư duy về cụm liên kết ngành:
+ Một cụm LKN có thể được hình thành trong hay ngoài một khu, cụm công nghiệp. Do vậy, nó có thể hình thành trong và ngoài tỉnh (giữa nhiều tỉnh), giữa các quốc gia; và đặc biệt là liên ngành…;
+ Vai trò của Nhà nước (đối với các cụm LKN) được thể hiện trong cả 3 khâu: (i) Phát hiện liên kết; (ii) Tạo môi trường cho liên kết; và (iii) Thúc đẩy liên kết;
+ Các nội dung liên kết, gồm: (i) Liên kết về thị trường, sản phẩm; (ii) Liên kết trong sử dụng tài nguyên; Hạ tầng kỹ thuật (KCN sinh thái, tuần hoàn); (iii) Liên kết trong: Chuyển giao công nghệ, Đào tạo và sử dụng nhân lực chất lượng cao…
- Kết nối, chia sẻ, giúp triển khai các ý tưởng liên kết mới:
+ Các hình thức liên kết: (i) Liên kết trong nội bộ ngành công nghiệp; (ii) Liên kết ngang giữa các ngành Công nghiệp với Nông nghiệp và Dịch vụ…
+ Vai trò của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, các hiệp hội ngành nghề trong việc chia sẻ, kết nối giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng.
- Hỗ trợ phát triển liên kết, bao gồm:
+ Chọn DN đầu đàn: Lựa chọn theo các lớp cung ứng (chú trọng lớp 2 và 3);
+ Lựa chọn các phương thức hỗ trợ phù hợp: (i) Tài chính: Hạ tầng, Tín dụng, Lãi suất…; (ii) Phi tài chính: Đào tạo, Thông tin…
- Quản lý liên kết, thể hiện ở 3 nội dung chính sau:
+ Thiết lập thể chế (Ưu đãi) theo nguyên tắc: (i) Tập trung nguồn lực; tránh dàn trải; (ii) Có sự liên kết, phân công giữa các địa phương trong một vùng để tránh chồng chéo/trùng lắp; cạnh tranh lẫn nhau.
+ Vận hành: Ưu đãi có thời hạn (không triền miên); Có ràng buộc (Đi kèm với ưu đãi là cam kết của Doanh nghiệp nhận ưu đãi);
+ Đánh giá và cải tiến liên kết: Sau một thời gian vận hành, cần có đánh giá, cải tiến.
3. Phát triển hệ sinh thái công nghiệp
Hệ sinh thái cho phát triển công nghiệp, theo quan niệm thông thường, bao gồm hành lang pháp lý cho doanh nghiệp phát triển và hạ tầng công nghiệp (các khu, cụm công nghiệp).
Theo cách tiếp cận mới, nội hàm của hạ tầng công nghiệp cần bao gồm 2 chức năng cơ bản sau:
a) Hạ tầng kỹ thuật: Bảo đảm tốt cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp
Các nghiên cứu về hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp cho thấy, có sự khác nhau trong tổ chức các phân khu chức năng của các KCN tập trung (bao gồm KCN đa năng và KCN chuyên sâu hay KCN CNHT); gần đây, mô hình của các KCN sinh thái hay KCN theo xu hướng kinh tế tuần hoàn cũng đã được nghiên cứu và triển khai thành công ở các mức độ khác nhau trong nước và quốc tế.
Với mỗi mục tiêu thu hút đầu tư khác nhau và hướng đến phát triển bền vững (giảm phát thải), hạ tầng kỹ thuật của các khu, cụm công nghiệp chuyên sâu sẽ được thiết kế với các phân khu chức năng phù hợp.
Tác động của KHCN với xu hướng số hóa các hoạt động sản xuất và quản lý sẽ có ảnh hưởng lớn đến thiết kế và tổ chức hạ tầng kỹ thuật của các KCN. Do vậy, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần chuẩn hóa cấu trúc của các mô hình này và chuyển giao cho các nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp nội địa ở các địa phương; đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý và có các cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển các mô hình hạ tầng công nghiệp chuyên sâu này cho phù hợp với chức năng của từng khu, cụm công nghiệp.
b) Hạ tầng xã hội: Tạo môi trường sống tốt cho người lao động
Để đảm bảo cho người lao động tại các KCN tập trung có được môi trường sống tốt, mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ đang ngày càng được quan tâm phát triển. Với mô hình phát triển này, người lao động và gia đình của họ có được một cuộc sống khá tiện nghi (theo nhiều cấp độ khác nhau), đảm bảo các nhu cầu cơ bản về ăn ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí...
Có như vậy, người lao động sẽ yên tâm phục vụ doanh nghiệp với nỗ lực cao nhất. Chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng công nghiệp triển khai thực hiện mô hình này.
Nguồn: Tạp chí Công Thương