/ Tin tức
Gốm Biên Hòa - Đồng Nai với những nốt trầm trong bảo tồn và phát triển
Trải qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển, gốm Biên Hòa - Đồng Nai có nhiều thời điểm rơi vào khó khăn, nhiều cơ sở phải tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, nhiều cơ sở gốm ở Biên Hòa vẫn cố gắng vượt qua để giữ lại làng nghề từng nổi danh trong và ngoài nước.
Một số doanh nghiệp (DN) sản xuất gốm cho biết, trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, gốm Biên Hòa - Đồng Nai đã có những giai đoạn suy thoái và có nguy cơ mai một. Khi đó, cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp do ảnh hưởng của chiến tranh, suy thoái kinh tế, tài chính trên toàn cầu.
Những tác động từ thị thường
Theo lời kể của các nghệ nhân gốm, trong quá trình hình thành và phát triển hơn 300 năm, gốm Biên Hòa - Đồng Nai có những mốc quan trọng trong phát triển. Cụ thể, từ 1920-1940, gốm Biên Hòa ở thời “hoàng kim”, bởi đây là thời kỳ người Pháp phát triển gốm Biên Hòa - Đồng Nai đạt đến đỉnh cao nhất với màu men xanh đồng trổ bông không nơi nào có được.
Đến những năm từ 1940-1975, gốm Biên Hòa - Đồng Nai vẫn duy trì sự phát triển. Giai đoạn này, gốm Biên Hòa - Đồng Nai bắt đầu ứng dụng công nghệ sản xuất mới, mẫu mã, sản phẩm phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi hơn.
Sau năm 1975, gốm Biên Hòa - Đồng Nai có nhiều khó khăn ở vài năm đầu. Từ những năm 1980, gốm Biên Hòa - Đồng Nai hồi phục nhanh, sản phẩm xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, gốm Biên Hòa gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Do đó, nhiều DN, cơ sở gốm không trụ được, phải thu hẹp sản xuất.
Đến năm 2009, khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra khiến nhiều lĩnh vực kinh tế lao dốc, trong đó có ngành gốm xuất khẩu. Chính từ đây, những khó khăn nối tiếp diễn ra, gây thách thức cho ngành gốm. Để bảo vệ môi trường sống trong lành, ngành gốm không được khuyến khích hoạt động trong khu dân cư để bảo đảm môi trường sống cho người dân trong vùng. Vì thế, các DN, cơ sở sản xuất gốm phải tìm vốn để di dời, đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc hiện đại để bảo đảm đủ điều kiện hoạt động sản xuất gốm.
Sau một thời gian dài trải qua khó khăn, đến năm 2016-2018, tình hình kinh tế thế giới ổn định, nghề gốm cũng từ đây tái khởi sắc, đơn đặt hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, đang trên đà phục hồi, đại dịch Covid-19 một lần nữa gây khó khăn cho nhiều ngành nghề, bao gồm cả nghề gốm. Kể từ sau đại dịch Covid-19, lượng đơn đặt hàng của các DN, cơ sở sản xuất gốm đã giảm 50%. Đáng chú ý, sự kiện Mỹ dự định áp thuế đối ứng với Việt Nam 46% sẽ tiếp tục tác động lớn đến các đơn hàng xuất khẩu. Trên thực tế, một số DN đã bị ảnh hưởng.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu gốm Phong Sơn (thành phố Biên Hòa) Hứa Mỹ Chiêu cho biết, hiện 80% đơn hàng xuất khẩu của Phong Sơn đều sang thị trường Mỹ. Do đó, ngay sau khi Mỹ công khai chính sách áp thuế đối ứng với Việt Nam, công ty bị hối thúc giao hàng trước khi chính sách áp thuế có hiệu lực. Thậm chí, một số đối tác vừa đặt hàng xong nghe tin Mỹ áp thuế liền hủy ký kết, khiến DN đang khó khăn càng khó khăn hơn.
Doanh nghiệp “gồng mình vượt bão”
Bên cạnh những nỗ lực phát triển của một số DN, những năm gần đây, do ảnh hưởng của nền kinh tế trong nước và thế giới, ngành gốm đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân chính bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, ngành gốm còn bị ảnh hưởng trước những diễn biến an ninh chính trị phức tạp trên thế giới.
Theo ông Hứa Mỹ Chiêu, ngành gốm mỹ nghệ không phải là ngành tiêu dùng trọng yếu nên khi kinh tế khó khăn thì nhu cầu trang trí, làm đẹp nhà, sân vườn, các công trình… giảm mạnh.
Để khắc phục khó khăn, DN đã đa dạng hóa các sản phẩm gốm, nhiều mẫu, nhiều màu. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn phải chờ nền kinh tế phục hồi, khi đó kinh tế của người dân khởi sắc, nhu cầu mua sắm, trang trí nhà cửa mới có cơ hội tăng trở lại.
Ngoài những khó khăn về mặt thị trường, theo các DN, từ khi di chuyển vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa), do thị trường giảm sút đã kéo theo doanh thu của DN giảm. Để tháo gỡ khó khăn, các DN đã đề xuất, kiến nghị Nhà nước quan tâm, hỗ trợ DN duy trì, bảo tồn ngành gốm. Cụ thể, hiện mỗi DN được thuê 5 ngàn m2 đất sản xuất trong cụm công nghiệp nhưng DN chỉ được xây dựng 50% diện tích đất được thuê. Với điều kiện trên, DN không đủ diện tích để sản xuất. Các DN mong muốn cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ DN tăng thêm diện tích đất được thuê để đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh.
Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng chia sẻ, cùng với những kiến nghị về tăng diện tích đất thuê tại cụm công nghiệp, hiệp hội đang kiến nghị cơ quan chức năng quy hoạch vùng nguyên liệu cho gốm Biên Hòa. Bởi theo ông Khiềng, để có được sản phẩm gốm Biên Hòa thì phải sử dụng đúng nguồn nguyên liệu. Do đó, để ngành gốm Biên Hòa duy trì và phát triển bền vững, cần có vùng nguyên liệu để quản lý, khai thác hiệu quả nhất.