Số lượt truy cập

3890287

/ Tin tức

Xây dựng thương hiệu cho gốm Biên Hòa - Đồng Nai

Gốm Biên Hòa - Đồng Nai là một trong những mặt hàng được xuất khẩu rất sớm, từ đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, nhiều năm qua, gốm Biên Hòa - Đồng Nai vẫn chưa được công nhận là thương hiệu quốc gia. Điều này sẽ hạn chế quá trình phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Theo một số doanh nghiệp (DN) sản xuất gốm tại Biên Hòa, do đã có thị trường xuất khẩu từ sớm và ổn định nên phần lớn DN chỉ quan tâm đến sản xuất sản phẩm mà bỏ qua vấn đề xây dựng thương hiệu. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát bền vững của gốm Biên Hòa - Đồng Nai.

Chưa là thương hiệu quốc gia

Gốm Biên Hòa những năm gần đây ngoài được đánh giá tốt về chất lượng, còn được ghi nhận về sự thay đổi mẫu mã kịp thời, sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của các thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trên thế giới có sự thay đổi, đơn hàng giảm, các DN vẫn chỉ trông chờ thị trường truyền thống của mình phục hồi mà chưa có sự chủ động trong tìm kiếm thị trường mới, cũng như tìm hướng đi mới bằng cách nâng cao vị thế thương hiệu gốm để tìm cách tiếp cận thị trường.

Là một trong số ít DN gốm đang nỗ lực xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Biên Hòa (Gốm Biên Hòa) Mai Thanh Xin cho biết, Gốm Biên Hòa chuyên kinh doanh các sản phẩm gốm truyền thống từ nhiều năm nay. Trong 3 năm gần đây, ông Xin bắt đầu chú trọng đến xây dựng thương hiệu Gốm Biên Hòa và đang từng bước tạo được thương hiệu riêng trên thị trường nội địa. Chia sẻ về việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gốm Biên Hòa, ông Xin cho rằng, đây là vấn đề được ông quan tâm. Thế nhưng, để được chứng nhận thương hiệu quốc gia cần nhiều yếu tố và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng cũng như DN gốm.

Theo ông Xin, thương hiệu quốc gia sẽ giúp sản phẩm địa phương tăng uy tín và có vị thế trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

“Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp như hiện nay, việc củng cố, xây dựng thương hiệu sẽ giúp sản phẩm tăng được tính cạnh tranh. Có thương hiệu, DN sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường, dễ tiếp cận đối tác, nhất là các đối tác lớn. Tôi hy vọng gốm Biên Hòa - Đồng Nai sớm được công nhận là thương hiệu quốc gia để thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu” - ông Xin cho hay.

Hội đủ điều kiện trở thành thương hiệu quốc gia

Tháng 4-2025, lần đầu tiên Đồng Nai tổ chức Festival Gốm với quy mô lớn. Sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị của nghề gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai; đồng thời, quảng bá các sản phẩm gốm đặc sắc của Biên Hòa - Đồng Nai và các sản phẩm gốm trong cả nước. Sự kiện sẽ diễn ra ngay trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4).

Họa sĩ Mai Văn Nhơn, người nổi tiếng với các sản phẩm tranh ghép gốm Biên Hòa, nhận định gốm Biên Hòa - Đồng Nai có đủ các yếu tố để xây dựng thành thương hiệu quốc gia. Điểm đặc trưng nhất của gốm Biên Hòa - Đồng Nai chính là nguồn nguyên liệu đất để tạo nên những sản phẩm gốm đất đen cũng như gốm trang trí với màu men đặc sắc.

Theo họa sĩ Mai Văn Nhơn, để xây dựng, phát triển thương hiệu cho gốm Biên Hòa - Đồng Nai, người làm gốm cần nhạy bén hơn với xu hướng tiêu dùng của thị trường. Thường xuyên cập nhật mẫu mã, nâng cấp tác phẩm, khẳng định thương hiệu gốm Biên Hòa luôn chất lượng và đa dạng mẫu mã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong thời đại phát triển công nghệ số hiện nay, ngành gốm cần phát triển nghề gốm trên mọi phương diện, trong đó ứng dụng công nghệ trong sáng tạo các tác phẩm gốm như: vận dụng ứng dụng để tạo màu men, thiết kế mẫu mới… Đừng quá tập trung vào việc phải bảo tồn máy móc theo hướng bảo thủ giữ cái cũ mà không chịu thích ứng, sáng tạo nên những cái mới.

GS-TS Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: “Tôi đã từng nghiên cứu về những giá trị gốm Biên Hòa - Đồng Nai để tư vấn cho tỉnh phát triển du lịch dựa trên di sản văn hóa gốm sứ. Gốm Biên Hòa có truyền thống hơn 300 năm, là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế, với chất liệu men đặc trưng - men xanh đồng trổ bông (vert de Bien Hoa)”.

Gốm Biên Hòa là trường hợp duy nhất trong cả nước mà thương hiệu gốm trùng khớp hoàn toàn với danh xưng địa phương. Không đơn thuần chỉ là địa danh, di sản văn hóa gốm sứ Biên Hòa xứng đáng là biểu tượng quan trọng góp phần nhận diện danh tiếng địa phương Biên Hòa nói riêng, Đồng Nai nói chung. Gốm trong kiến trúc, điêu khắc, trang trí, liễn đối, đại tự... đã góp phần quan trọng làm nên giá trị lịch sử, giá trị mỹ thuật, giá trị văn hóa của nhiều di tích lịch sử, nhiều công trình tiêu biểu của Biên Hòa.

Chia sẻ về bảo tồn và phát triển nghề gốm cũng như mục tiêu mà nghề gốm hướng tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng khẳng định, tại sự kiện Festival Gốm tới đây, các DN, nghệ nhân gốm sẽ có cơ hội kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau góp phần thúc đẩy nghề gốm truyền thống phát triển trong nền kinh tế thị trường, phát huy những giá trị, thương hiệu gốm nhằm tạo cơ cho ngành gốm đi xa hơn trên thị trường quốc tế, đồng thời gắn phát triển nghề gốm truyền thống với phát triển ngành du lịch, dịch vụ…